Việt Nam dự Hội thảo quốc tế thường niên về Biển Đông lần thứ 14 tại Mỹ
Tham dự hội thảo, phía Việt Nam đề cao trách nhiệm của các nước liên quan trong việc phối hợp xây dựng lòng tin, thúc đẩy các biện pháp hợp tác, bảo đảm hòa bình và ổn định lâu dài tại Biển Đông.
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Thủ đô Washington D.C. (Mỹ) đã tổ chức hội thảo quốc tế thường niên về Biển Đông lần thứ 14 dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Tham dự hội thảo có các nhà hoạch định chính sách, quan chức trong chính quyền Mỹ, cùng nhiều chuyên gia, học giả nổi tiếng đến từ Mỹ, Canada, Anh, Australia, New Zealand, Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia, Singapore, Philippines, Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc).
Đáng chú ý là sự hiện diện của Hạ nghị sỹ Darrell Issa thuộc đảng Cộng hòa, thành viên Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, và Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Ely Ratner.
Đoàn Việt Nam tham dự hội thảo do Tiến sỹ Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, dẫn đầu.
Hội thảo là cơ hội để các học giả, các nhà ngoại giao và giới nghiên cứu trên khắp thế giới thảo luận, đánh giá tình hình biển Đông thời gian gần đây, những phát triển mới từ nhiều khía cạnh địa chính trị, pháp lý, chính trị-ngoại giao, môi trường và những tác động đến tình hình Biển Đông.
Từ đó đưa ra các khuyến nghị, đề xuất phối hợp giữa các bên liên quan nhằm ứng phó với các thách thức, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực để duy trì và bảo đảm tình hình Biển Đông một cách hòa bình và ổn định.
Các nghiên cứu được trình bày cho thấy, so với trước đây, tình hình Biển Đông ngày càng trở nên phức tạp.
Việc sử dụng tàu thuyền hiện đại, trang bị vệ tinh, thiết bị bay ghi hình và công bố các thông tin có lợi cho các đòi hỏi của các bên đang trở nên phổ biến.
Biển Đông được đánh giá là vấn đề quốc tế, chứa đựng nhiều rủi ro và nếu xảy ra xung đột sẽ dễ bị leo thang, mở rộng.
Vì vậy, các nước cần kiềm chế, gương mẫu, không làm phức tạp tình hình, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, ông Harrison Prétat, Phó Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) thuộc CSIS nhận định: “Những yêu cầu, đòi hỏi của các nước cần được giải quyết bằng các cuộc thảo luận trên bàn làm việc, chứ không phải bằng tàu thuyền và vòi rồng, không phải bằng sự hiện diện của hải quân được trang bị vũ khí.
Vì vậy, nếu chúng ta có thể chuyển từ những căng thẳng thành các vấn đề ngoại giao, dựa trên luật pháp quốc tế, chứ không phải là những rủi ro về an ninh, tôi cho rằng đó phải là ưu tiên số 1 của tất cả các bên.”
Theo Tiến sỹ Nguyễn Hùng Sơn, phần trình bày của đoàn Việt Nam đã đề cao tầm quan trọng của Biển Đông đối với hòa bình, ổn định ở khu vực nói chung.
Việc duy trì hòa bình ở Biển Đông không chỉ là lợi ích của các nước ven Biển Đông, mà còn là lợi ích của cộng đồng quốc tế.
Bên cạnh đó, đại diện của Việt Nam cũng chia sẻ tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là trong bối cảnh có nhiều hành vi bất tuân luật pháp quốc tế không chỉ ở Biển Đông mà cả ở các khu vực khác trên thế giới.
Ngoài ra, phía Việt Nam cũng đề cao trách nhiệm của các nước có liên quan trong việc cùng phối hợp xây dựng lòng tin, thúc đẩy các biện pháp hợp tác, cùng kiểm soát các nguy cơ xung đột, trước mắt là bảo đảm hòa bình và ổn định lâu dài tại Biển Đông.
Hội thảo diễn ra trong ngày 11/7 theo giờ Mỹ, được sự hỗ trợ của Đại sứ quán các nước Australia, New Zealand, Vương quốc Anh, Philippines, cùng với Quỹ An ninh Môi trường và Phát triển Bền vững (FESS)./.
Ý kiến ()