Việt Nam dự Hội nghị đối thoại quốc phòng ASEAN - EU
Các đại biểu tham dự Hội nghị đối thoại quan chức quốc phòng ASEAN và EU. (Ảnh: Đỗ Hưng/Vietnam ) |
Tham dự có đại diện quốc phòng và ngoại giao các quốc gia thành viên ASEAN, đại diện quốc phòng EU và các nước đối thoại của ASEAN. Đoàn Việt Nam do Phó Vụ trưởng vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao Nguyễn Đức Thắng dẫn đầu.
Dưới sự chủ trì của Thiếu tướng Walter Huhn thuộc Cơ quan đối ngoại EU và Thiếu tướng Tin Maung Win, Phó Giám đốc Cơ quan đào tạo lực lượng vũ trang Myanmar, các đại biểu tập trung thảo luận về an ninh biển, vai trò của quân đội trong cứu trợ thiên tai, thúc đẩy hiểu biết và xây dựng lòng tin thông qua Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) về phòng thủ, và phát triển hợp tác công nghiệp quốc phòng trong EU.
Phát biểu tại hội nghị, Thiếu tướng Walter Huhn cho biết việc hợp tác phòng chống hải tặc Somalia ở Tây Ấn Độ Dương đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Trong thời gian qua, hợp tác song phương và đa phương trong AFR cũng được tăng cường nhằm đảm bảo an ninh và an toàn cho các tuyến hàng hải trong khu vực.
Thay mặt đoàn Việt Nam, Đại tá Nguyễn Thành Đồng, Viện phó Viện quan hệ quốc tế của Bộ Quốc phòng có bài tham luận về đảm bảo an ninh hàng hải ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Đại tá Nguyễn Thành Đồng nhấn mạnh châu Á-Thái Bình Dương đã và đang là nơi hội tụ, giao thoa lợi ích chiến lược của nhiều nước. Sự can dự ngày càng sâu của các cường quốc vào châu Á-Thái Bình Dương đặt khu vực trước cả cơ hội và thách thức an ninh mới. Hiện trong khu vực có không ít điểm nóng xung đột sắc tộc, tôn giáo; vấn đề phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên biển; các vấn đề an ninh phi truyền thống như khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh lương thực, năng lượng; chống biến đổi khí hậu, bệnh dịch truyền nhiễm… Đây đều là những vấn đề quan tâm hàng đầu trong khu vực và ngày càng có ảnh hưởng sâu rộng.
Đại tá Nguyễn Thành Đồng nhấn mạnh, những tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông có nhiều diễn biến phức tạp. Để tránh xung đột xảy ra, trong thời gian qua ASEAN đã có nhiều sáng kiến và cách tiếp cận mới được các nước thành viên ủng hộ như thiết lập đường dây nóng, cam kết không sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp, tuân thủ Tuyên bố về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC), từng bước tham vấn xây dựng và thông qua Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Bên cạnh đó, ASEAN cũng không ngừng tăng cường đối thoại, tham vấn lẫn nhau và đang từng bước thực hiện lộ trình 3 giai đoạn gồm: xây dựng lòng tin (CBMs), ngoại giao phòng ngừa (PD) và phương hướng giải quyết xung đột. Hiện nay, ASEAN đang ở giai đoạn hai của lộ trình này.
Là một quốc gia có biển, Việt Nam luôn chủ động và sẵn sàng tham gia các hoạt động hợp tác có liên quan đến biển nhằm duy trì môi trường biển hòa bình. Việt Nam luôn nhất quán quan điểm giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình, cam kết không sử dụng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế.
Việt Nam chủ trương bảo vệ lợi ích quốc gia trên các vùng biển chủ quyền, kiên trì giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định trên biển, kiềm chế tránh đối đầu và không để xảy ra xung đột quân sự.
Hội nghị đối thoại quan chức quốc phòng ASEAN-EU do ASEAN phối hợp với Cơ quan đối ngoại EU (EEAS) đồng tổ chức.
Ý kiến ()