Việt Nam đồng chủ trì Phiên họp Nhóm chuyên gia gìn giữ hòa bình
Đại tá Mạc Đức Trọng nhấn mạnh công tác huấn luyện tiền triển khai và nâng cao năng lực là điều tối quan trọng trong việc chuẩn bị cho lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ.
Sáng 3/12, Bộ Quốc phòng tổ chức Kỳ họp thứ 15 của Nhóm chuyên gia gìn giữ hòa bình (EWG PKO) Chu kỳ 4 gia đoạn 2021-2023 trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM ) theo hình thức trực tuyến.
Đại tá Mạc Đức Trọng, Trưởng Nhóm chuyên gia Gìn giữ hòa bình Việt Nam và bà Tomoko Matsuzawa, Trưởng Ban Hợp tác Quốc phòng khu vực Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương, Phòng Chính sách Quốc tế, Cục Chính sách Quốc phòng, Bộ Quốc phòng Nhật Bản, Trưởng Nhóm chuyên gia Gìn giữ hòa bình Nhật Bản đồng chủ trì cuộc họp.
Tham dự cuộc họp về phía Việt Nam có đại diện và cán bộ chuyên trách của Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam; các cơ quan, đơn vị có liên quan của Bộ Quốc phòng, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Học viện Ngoại giao.
Phía quốc tế có đại diện Ban Thư ký ASEAN, Nhóm Chuyên gia Gìn giữ hòa bình các nước ADMM và các diễn giả từ trụ sở Liên hợp quốc tham dự trực tuyến tại các điểm cầu; đại diện Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Tùy viên Quốc phòng các nước ADMM tại Việt Nam tham dự trực tiếp Kỳ họp 15 tại Hội trường của Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Trưởng Nhóm chuyên gia Gìn giữ hòa bình Nhật Bản Tomoko Matsuzawa cho biết cuộc họp là phiên họp thứ 2 trong Chu kỳ 4 của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM ) dưới sự đồng chủ trì của Việt Nam và Nhật Bản.
Với phiên họp lần thứ 15 này, các đồng chủ tịch đã chọn nội dung công tác huấn luyện tiền triển khai và nâng cao năng lực cho lực lượng gìn giữ hòa bình làm chủ đề thảo luận chính vì tầm quan trọng của nội dung này đối với thành công của sứ mệnh gìn giữ hòa bình.
Theo bà Tomoko Matsuzawa, việc huấn luyện tiền triển khai và nâng cao năng lực sẽ giúp cho các thành viên tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình tránh được các nguy cơ đe dọa đến tính mạng khi thực thi nhiệm vụ trên thực địa và đảm bảo uy tín của Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại nước sở tại.
“Lực lượng gìn giữ hòa bình được đào tạo đầy đủ – những người có tất cả kiến thức và kỹ năng tiên quyết – sẽ mang lại chất lượng hoạt động cao nhất và họ có thể hoàn thành hiệu quả các nhiệm vụ quan trọng cần thiết để hỗ trợ các quốc gia khi họ chuyển từ xung đột sang hòa bình,” bà Matsuzawa nhấn mạnh.
Trong bài phát biểu của mình, Đại tá Mạc Đức Trọng, Trưởng Nhóm chuyên gia Gìn giữ hòa bình Việt Nam cho biết kể từ phiên họp thứ nhất Chu kỳ 4 của Nhóm chuyên gia gìn giữ hòa bình vào tháng 4/2021, các đồng chủ trì đã tích cực hợp tác và phối hợp chặt chẽ để triển khai kế hoạch làm việc, đặc biệt là chuẩn bị cho phiên họp lần thứ 15 hôm nay và diễn tập huấn luyện thực địa, dự kiến sẽ được thực hiện vào năm 2023.
Theo Đại tá Mạc Đức Trọng, tại phiên họp lần thứ 14, các nước thành viên đã nhất trí thành lập “Diễn đàn Phụ nữ, Hòa bình và An ninh,” một sáng kiến của hai đồng chủ tịch tại phiên họp lần thứ 14.
“Diễn đàn Phụ nữ, Hòa bình và An ninh” được thành lập trên cơ sở đồng thuận của tất cả các nước ADMM cũng như sự cho phép của Ban Thư ký ASEAN.
Hai đồng chủ tịch cũng đã tổ chức thành công Hội thảo trực tuyến về phụ nữ, hòa bình và an ninh, hoạt động đầu tiên của diễn đàn, vào ngày 29/9/2021, với sự tham gia của hơn 60 đại diện từ các quốc gia ADMM .
Chia sẻ quan điểm với đồng chủ trì Matsuzawa, Đại tá Mạc Đức Trọng nhấn mạnh công tác huấn luyện tiền triển khai và nâng cao năng lực là điều tối quan trọng trong việc chuẩn bị cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đáp ứng các yêu cầu của nhiệm vụ tại Phái bộ.
Chất lượng đào tạo trước khi triển khai và nâng cao năng lực có vai trò quan trọng không chỉ trong việc quyết định hiệu quả hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình trên thực địa mà còn trong việc đảm bảo an toàn và an ninh cho lực lượng gìn giữ hòa bình trong quá trình hoạt động.
Trong bối cảnh của đại dịch COVID-19, công tác này thậm chí còn quan trọng và thách thức hơn đối với các quốc gia đóng góp quân đội cho lực lượng.
Theo Đại tá Mạc Đức Trọng, đại dịch không chỉ gây ra thêm các mối đe dọa đối với an ninh môi trường hoạt động gìn giữ hòa bình, đòi hỏi những người gìn giữ hòa bình phải được trang bị thêm kỹ năng và kiến thức để tự bảo vệ mình, mà còn gây khó khăn cho việc đảm bảo chất lượng đào tạo tiền triển khai và nâng cao năng lực.
Do đó, mỗi quốc gia đóng góp quân phải có những biện pháp và sáng kiến để khắc phục những tác động tiêu cực của đại dịch.
Với tầm quan trọng của các chủ đề mà phiên họp lần thứ 15 thảo luận, cũng như những thách thức mà các quốc gia đóng góp quân cho lực lượng gìn giữ hòa bình đang phải đối mặt trong đào tạo tiền triển khai và nâng cao năng lực, Đại tá Mạc Đức Trọng đề nghị các diễn giả và các đại biểu dự phiên họp chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và sáng kiến của mình trong lĩnh vực đào tạo tiền triển khai và nâng cao năng lực để cải thiện chất lượng hoạt động gìn giữ hòa bình của tất cả các quốc gia thành viên.
Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe Tướng ba sao Santos Cruz, Cựu Tư lệnh lực lượng quân sự Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Cộng hòa Dân chủ Congo trình bày tham luận chính về chủ đề: “Năng lực và thách thức đối với lực lượng Gìn giữ hòa bình: trước và sau Báo cáo Cruz;” phát biểu toàn thể của ông Mark Pedersen, Trưởng phòng Huấn luyện tích hợp, Cục Hoạt động hòa bình, Trụ sở Liên hợp quốc về chủ đề “Huấn luyện tiền triển khai và nâng cao năng lực: Tầm quan trọng và thách thức;” thuyết trình của Bộ Quốc phòng Nhật Bản về các hoạt động và cống hiến trong nâng cao năng lực và huấn luyện tiền triển khai; thuyết trình của các nước ADMM về kinh nghiệm và sáng kiến trong nâng cao năng lực và huấn luyện tiền triển khai.
Các đại biểu đã thảo luận nhóm về các chủ đề: Phương pháp nâng cao chất lượng, năng lực và huấn luyện tiền triển khai trong bối cảnh dịch bệnh; làm thế nào để huấn luyện tiền triển khai và nâng cao năng lực đóng góp vào việc gia tăng số lượng nữ quân nhân gìn giữ hòa bình; giới thiệu sơ bộ về nội dung chính của Diễn tập thực địa gìn giữ hòa bình (FTX) và Hội nghị lập kế hoạch ban đầu (IPC) cho FTX vào tháng 3/2022 tại Việt Nam.
Việc đoàn Việt Nam tham dự và đồng chủ trì phiên họp thể hiện vai trò tích cực, chủ động của Việt Nam khi đảm nhiệm vai trò kép là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và đảm nhiệm vai trò đồng chủ trì EWG PKO Chu kỳ 4, 2021-2023 với Nhật Bản, đồng thời tiếp tục khẳng định vai trò, uy tín, vị thế và đóng góp của Việt Nam trong các cơ chế hợp tác đa phương về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trong khu vực nhằm tiếp tục duy trì động lực và tăng cường hợp tác giữa các quốc gia.
Cũng qua phiên họp, Việt Nam có cơ hội tăng cường trao đổi chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia thành viên và Liên hợp quốc nhằm tăng cường hiệu quả của công tác huấn luyện tiền triển khai, nâng cao năng lực và sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc./.
Ý kiến ()