Việt Nam đề xuất xin ý kiến ICJ về trách nhiệm với biến đổi khí hậu
Việt Nam cùng một số nước đã xây dựng dự thảo Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ để yêu cầu ICJ tư vấn về các vấn đề như nghĩa vụ của các nước trong việc gây ra những hệ quả tiêu cực về biến đổi khí hậu.
Ngày 27/10, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, với tư cách Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, đã điều hành phiên họp toàn thể của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 thảo luận về hoạt động của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ).
Đại diện Việt Nam cùng đông đảo các nước tham gia phiên họp đều khẳng định vai trò quan trọng của ICJ trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế; góp phần quan trọng thúc đẩy sự tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, đóng góp vào phát triển bền vững, hòa bình, an ninh và ổn định trên thế giới.
Việt Nam cùng Vanuatu và một số nước nòng cốt đã giới thiệu sáng kiến về việc xin ý kiến tư vấn của ICJ về nghĩa vụ của các quốc gia trong vấn đề biến đổi khí hậu.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh biến đổi khí hậu đã và đang thách thức nghiêm trọng toàn thể cộng đồng quốc tế, đe doạ cuộc sống của người dân nhiều nước ven biển, các quốc đảo nhỏ.
Đại sứ cho rằng nhiều biện pháp ứng phó đã được đưa ra, trong đó có các cam kết đưa phát thải ròng về mức bằng 0, song biến đổi khí hậu vẫn diễn biến rất phức tạp.
Do đó, các nước cần có nhiều hành động mạnh mẽ hơn nữa, làm rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của các quốc gia theo các công ước quốc tế liên quan đến biến đổi khí hậu, trong đó có Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển.
16 nước nòng cốt từ các khu vực địa lý khác trên toàn cầu đã xây dựng dự thảo Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc để yêu cầu ICJ tư vấn về các vấn đề như nghĩa vụ của các nước trong việc gây ra những hệ quả tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với nhiều nước, nhất là các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Nhóm nòng cốt là một hình thức các nước thành viên Liên hợp quốc chia sẻ quan điểm, phối hợp hành động về các quan tâm chung.
Nhóm nòng cốt về việc xin ý kiến tư vấn của ICJ về biến đổi khí hậu, bao gồm Antigua và Barbuda, Bangladesh, Costa Rica, Đức, Liechtenstein, Micronesia, Maroc, Mozambique, New Zealand, Bồ Đào Nha, Samoa, Sierra Leone, Singapore, Uganda, Vanuatu và Việt Nam.
Ngoài việc đưa ra các phán quyết về giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia, ý kiến tư vấn của ICJ nhìn chung được cộng đồng quốc tế coi trọng, có thể làm rõ hơn nhiều vấn đề pháp lý quốc tế chưa rõ ràng, qua đó giúp thúc đẩy hành xử của các nước theo hướng phù hợp hơn với các nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế./.
Ý kiến ()