Việt Nam đẩy mạnh các chương trình chăm sóc sức khoẻ sinh sản
Trong đại dịch COVID-19, những gián đoạn trong cung cấp dịch vụ sức khỏe tình dục và sinh sản lại càng trở nên trầm trọng hơn khi các dịch vụ này bị coi là không thiết yếu.
Trong năm COVID-19 thứ hai, một số nước trên thế giới đang phục hồi từ suy thoái do đại dịch gây ra, trong khi những quốc gia khác vẫn đang phải vật lộn trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19 bởi việc tiếp cận vaccine tại nhiều nước vẫn còn khó khăn.
Năm nay, nhân kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới 11/7, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) ra lời kêu gọi toàn cầu về ưu tiên sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản và quyền cho mọi người thông qua việc tiếp cận thông tin, dịch vụ trước sự thay đổi về mức sinh và nhân khẩu học.
Ưu tiên cho sức khỏe sinh sản
Theo đánh giá của Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, đại dịch COVID-19 đã làm tê liệt hệ thống chăm sóc sức khỏe, đặc biệt trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục. Một mặt, những người có khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục trì hoãn việc sinh con trong thời điểm bất ổn về tài chính và khủng hoảng. Mặt khác, gián đoạn trong việc cung cấp các phương tiện tránh thai cộng với lệnh phong tỏa cách ly dự kiến sẽ làm gia tăng mạnh mẽ số ca mang thai ngoài ý muốn của nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất.
Một nghiên cứu của UNFPA thực hiện vào hồi tháng Ba cho thấy ước tính 12 triệu phụ nữ đã gặp gián đoạn trong tiếp cận dịch vụ kế hoạch hóa gia đình.
Theo bà Naomi Kitahara – Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, đại dịch COVID-19 cũng đã làm lộ rõ và trầm trọng hơn tình trạng bất bình đẳng giới. Một số lượng lớn phụ nữ đã phải rời bỏ lực lượng lao động vì những công việc trả lương thấp mà họ thường làm đã bị cắt giảm, kèm theo sự gia tăng trách nhiệm chăm sóc con cái khi trẻ em phải học tập từ xa cũng như chăm sóc người cao tuổi mất khả năng đi lại. Hiện thực này gây bất ổn tình hình tài chính của phụ nữ, không chỉ trong hiện tại mà còn trong dài hạn.
Trước bối cảnh trên, nhiều quốc gia đã thể hiện mối quan ngại ngày càng tăng về việc thay đổi tỷ suất sinh. Trước đây, những cảnh báo liên quan đến tỷ suất sinh đã dẫn đến những vi phạm quyền con người. Tại các khu vực có dân số tăng, những biện pháp chính sách tiêu cực có thể là các chương trình kế hoạch hóa gia đình cưỡng bức và triệt sản. Trong khi ở những khu vực khác, việc tiếp cận biện pháp tránh thai lại bị hạn chế.
Trong đại dịch, những gián đoạn trong cung cấp dịch vụ sức khỏe tình dục và sinh sản lại càng trở nên trầm trọng hơn khi các dịch vụ này bị coi là không thiết yếu.
Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, dù là bùng nổ hay suy giảm dân số, giải pháp với tỷ suất sinh luôn nằm ở việc ưu tiên cho sức khỏe sinh sản và quyền sinh sản của tất cả mọi người.
Đẩy mạnh tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn
Trong công tác dân số, đại dịch COVID-19 đã làm tê liệt hệ thống chăm sóc sức khỏe và Việt Nam cũng không ngoại lệ trong dòng xoáy đó.
Để nâng cao chất lượng dân số, dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Việt Nam vẫn đang có những nỗ lực không ngừng cùng với các tổ chức quốc tế để duy trì các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản, nhất là đối với phụ nữ và thanh thiếu niên.
Quy mô dân số hiện nay của Việt Nam hơn 96,5 triệu người, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới. Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, tỷ lệ tăng dân số 10 năm qua (2009-2019) trong khoảng từ 1,05%-1,15%/năm, mức sinh thay thế được duy trì suốt 14 năm qua.
Từ năm 2007, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số vàng, cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh chiếm 68%. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt, tuổi thọ trung bình tăng nhanh, đạt 73,6 tuổi năm 2019, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người..
Kể từ ngày 17/4/2021, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 đã gây ảnh hưởng tới nhiều tỉnh và thành phố, trong đó, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh và hiện nay một số tỉnh phía Nam là những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Những năm qua, nhiều thành quả trong công tác nâng cao chất lượng dân số cho thấy tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em đều giảm mạnh, tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện. Dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với các quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các địa phương và đất nước.
Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã nhấn mạnh, tập trung mọi nguồn lực chuyển trong tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển.
Vì vậy, công tác dân số không chỉ chú trọng tới mục tiêu kế hoạch hóa gia đình như trước, cần phải gắn liền với các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh – các yếu tố liên quan đến phát triển nhanh, bền vững đất nước để nâng cao vị thế con người Việt Nam.
Trong những năm qua, để góp phần thực hiện nâng cao chất lượng dân số, Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) đã triển khai nhiều mô hình, đề án, chương trình như: Tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn, tầm soát (sàng lọc) trước sinh và sơ sinh; can thiệp truyền thông để giảm thiểu hôn nhân cận huyết, tình trạng có thai ngoài ý muốn, phá thai ở lứa tuổi vị thành niên, thanh niên; chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho người cao tuổi…
Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh đã được triển khai đến 63 tỉnh, thành phố với hơn 10.000 huyện, xã.
Bên cạnh đó, mô hình tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đã được triển khai tại 63 tỉnh, thành phố, góp phần nâng cao nhận thức, tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn cho rất nhiều thanh niên đồng thời truyền thông giảm thiểu vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết tại nhiều địa bàn “nóng” về tình trạng này ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hủ tục.
Những mô hình tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân đã giúp các bạn trẻ trước khi kết hôn biết được họ có mang gene bệnh trong người hay không; đưa ra những lời khuyên hữu ích cho người mang gene bệnh khi có thai.
Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu tổng quát: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững./.
Ý kiến ()