Việt Nam đạt những bước tiến trong trao quyền và nâng cao năng lực cho phụ nữ
Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam và Trưởng Đại diện UN Women có bài viết trong đó khẳng định Việt Nam đã đạt được những bước tiến trong việc trao quyền và nâng cao năng lực cho phụ nữ.
Nhân kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1910-8/3/2024), bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam và bà Caroline Nyamayemombe, Trưởng Đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) có bài viết chung: "Đẩy nhanh tiến độ đầu tư vào phụ nữ," trong đó khẳng định Việt Nam đã đạt được những bước tiến trong việc trao quyền và nâng cao năng lực cho phụ nữ.
Mở đầu bài viết, hai đồng tác giả đã lấy hai ví dụ về sự vươn lên hay nỗ lực vượt qua khó khăn của phụ nữ Việt Nam.
Đó là Lê Thị Hà Giang, một doanh nhân trẻ, đang nỗ lực tích hợp kỹ năng số vào hoạt động kinh doanh của mình để bắt kịp xã hội đang thay đổi nhanh chóng.
Là một trong 60 học viên của Chương trình Nâng cao năng lực công nghệ cho phụ nữ của UNDP, cô đã học cách xây dựng trang web, thiết kế kỹ thuật số, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) sáng tạo nội dung và các kỹ năng số khác để phát triển doanh nghiệp của mình trong tương lai.
Trong khi đó, Mi - một nạn nhân của nạn buôn người nay đã là trụ cột chính trong gia đình.
Thông qua sự giúp đỡ của Tổ chức Di cư Quốc tế, với hỗ trợ của Chính phủ Anh và các cơ quan tạo điều kiện tái hòa nhập từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam, cô đã hòa nhập dễ dàng với cộng đồng và vượt qua những trở ngại khó khăn.
"Những câu chuyện này là minh chứng cho thấy phụ nữ, khi được trao cơ hội, đều mong muốn làm việc chăm chỉ để thay đổi cuộc sống của mình tốt đẹp hơn," hai đồng tác giả viết.
Theo Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam và Trưởng Đại diện UN Women, Việt Nam đã đạt được những bước tiến trong việc trao quyền và nâng cao năng lực cho phụ nữ.
Quy định pháp luật, bao gồm Luật Bình đẳng giới và yêu cầu tỷ lệ nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội từ 35% trở lên, đã tạo điều kiện cho môi trường chính sách và pháp lý thúc đẩy đầu tư vào nâng cao năng lực cho phụ nữ.
Những nỗ lực đang cho thấy kết quả tích cực khi Việt Nam được đánh giá tăng 11 bậc trong Chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới toàn cầu mới nhất của Diễn đàn kinh tế thế giới, từ vị trí 83 lên vị trí 72 trong số 146 quốc gia.
Việt Nam có tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động trên 70%, được coi là một trong những nước cao nhất thế giới và với tỷ lệ thành viên nữ trong Quốc hội là 30,26%, Việt Nam đã vượt mức trung bình toàn cầu là 25,5%.
Tuy nhiên, giống như các quốc gia khác trên thế giới, phụ nữ vẫn phải đối mặt với những rào cản về cơ hội bình đẳng trong giáo dục, việc làm và tiếp cận các vị trí lãnh đạo, đặc biệt là phụ nữ dân tộc và phụ nữ khuyết tật.
Các cơ quan Đảng và Hội đồng nhân dân hiện có tỷ lệ nữ người dân tộc lần lượt là 6% và 7,3% so với nam cán bộ người dân tộc là 36,1% và 39%.
Mặc dù đạt tiến độ tốt ở các cấp khác nhưng theo hai chuyên gia Liên hợp quốc, Việt Nam vẫn cần nỗ lực hơn nữa ở cấp xã với tỷ lệ thành viên nữ trong Ủy ban Nhân dân xã, mới ở mức 22%.
Nhìn lại những thành tựu đạt được trong 29 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh về nâng cao năng lực cho phụ nữ và gần 40 năm kể từ khi thông qua Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ vào năm 1981, hai chuyên gia Liên hợp quốc đã tổng kết về tiến trình thúc đẩy tiến bộ cho phụ nữ ở Việt Nam.
Trước hết, đó là sự tăng cường vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong các tổ chức công và tư giúp cải thiện hiệu quả hoạt động của tổ chức. Có tới 80% doanh nghiệp đạt kết quả kinh doanh tốt nhất và hoạt động ổn định trong thời kỳ COVID-19, niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, là do nữ lãnh đạo, trong khi chỉ có 26,5% chủ doanh nghiệp, CEO ở Việt Nam là phụ nữ.
Bên cạnh đó, vai trò lãnh đạo và sự tham gia của phụ nữ vào các cơ quan, tổ chức chủ chốt cũng có ý nghĩa quan trọng để tránh tình trạng thiên vị, rập khuôn cũng như xây dựng lòng tin của người dân.
Đến năm 2030, dự kiến 70% cơ quan quản lý nhà nước có ít nhất một phụ nữ đảm nhiệm vai trò lãnh đạo.
Thứ hai, đó là tăng cường chất lượng giáo dục cho phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời đảm bảo khả năng tiếp cận bình đẳng với các hoạt động đào tạo kỹ năng lãnh đạo, bồi dưỡng chuyên môn và các chương trình được tài trợ, đặc biệt là trong lĩnh vực STEM (Science - Khoa học, Technology - Công nghệ, Engineering - Kỹ thuật, Mathematic - Toán học), qua đó giúp chuyển đổi số thành công.
Tỷ lệ nữ sinh viên tốt nghiệp hoàn thành giáo dục đại học trong lĩnh vực STEM ở Việt Nam là 36,5%. Đại học Bách khoa có hơn 78% sinh viên nam và chỉ 22% sinh viên nữ. Vì 75% việc làm trên toàn cầu sẽ liên quan đến STEM vào năm 2050, nên mục tiêu bình đẳng giới trong giáo dục STEM sẽ ngăn chặn tình trạng mất cân bằng ngày càng gia tăng do chuyển đổi số.
Thứ ba, mặc dù phụ nữ thường làm việc chăm chỉ và có năng lực ngang bằng với nam giới nhưng vẫn bị trả lương thấp hơn. Tính trên toàn cầu, tiền lương cho phụ nữ chỉ bằng 77% so với nam giới.
Các hệ thống an sinh xã hội đáp ứng giới nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng cũng như hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em gái nghèo là vô cùng cần thiết.
Những hệ thống này sẽ giúp giải quyết tình trạng chênh lệch về thu nhập, cải thiện kết quả giáo dục và y tế, ngăn chặn bạo lực trên cơ sở giới, đồng thời cũng thúc đẩy khả năng tiếp cận việc làm thỏa đáng và giúp phụ nữ chuyển đổi từ việc làm phi chính thức sang chính thức.
Thứ tư, các giải pháp tài chính sáng tạo giúp phụ nữ và trẻ em gái thoát nghèo. Đảm bảo các nguồn lực công được phân bổ và chi tiêu phù hợp với nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái có thể mang lại khoản hỗ trợ nhà ở cho khoảng 230.000 hộ nghèo ở khu vực nông thôn vào năm 2025 - Việt Nam đã thể hiện rõ mục tiêu này thông qua Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Các cơ chế cấp vốn mới giúp thúc đẩy đầu tư vào y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng để đảm bảo cung cấp dịch vụ bảo trợ xã hội cho những người ở vùng sâu, vùng xa sẽ góp phần đưa nền kinh tế quốc gia phát triển thịnh vượng hơn.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh: "Chúng ta phải đầu tư vào các chương trình với mục tiêu chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và thúc đẩy phụ nữ tham gia, lãnh đạo trong lĩnh vực kinh tế, công nghệ số, xây dựng hòa bình và hành động vì khí hậu."
Do đó, hai chuyên gia Liên hợp quốc nêu rõ, chủ đề năm nay trong Ngày Quốc tế phụ nữ là "Đẩy nhanh tiến độ đầu tư vào phụ nữ," nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực và hỗ trợ phụ nữ để thúc đẩy tiến bộ xã hội./.
Ý kiến ()