Việt Nam đang là miền đất hứa với "đại bàng" FDI
6 tháng đầu năm 2023, theo xu hướng chung, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có xu hướng chậm lại, song vốn giải ngân tháng 6 đã tăng trở lại.
Nhưng hơn cả các con số, chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang được cải thiện đáng kể khi ngày càng nhiều tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư lớn, với công nghệ hiện đại đầu tư vào Việt Nam. Với những diễn biến mới, triển vọng tăng vốn ngoại trong thời gian tới khá cao.
Nhà đầu tư giữ vững niềm tin
Trong bối cảnh khó khăn, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn quyết định đến đầu tư và mở rộng dự án hiện hữu tại Việt Nam. Việt Nam đang trở thành điểm đến đầy hứa hẹn đối với các doanh nghiệp lớn. Điển hình, tháng 3 vừa qua, 52 doanh nghiệp lớn của Mỹ, trong đó có Boeing, SpaceX, Netflix, Apple… đã đến Việt Nam tìm cơ hội hợp tác ở nhiều lĩnh vực. Tiếp đến, cuối tháng 6, đoàn 205 doanh nghiệp Hàn Quốc sang Việt Nam để tìm hiểu cơ hội đầu tư. Các doanh nghiệp này thuộc nhiều lĩnh vực như: Phân phối, tài chính, luật, y tế, công nghệ thông tin, lĩnh vực dịch vụ. Đáng chú ý, cùng tham gia đoàn có chủ tịch của 5 tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc gồm: Samsung Electronics, SK, Hyundai Motor, LG và Lotte. Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc vừa qua, hơn 100 biên bản ghi nhớ hợp tác đã được các doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam trao đổi. Chi tiết các bản ghi nhớ không được tiết lộ, nhưng đây là cơ sở để hợp tác đầu tư Việt Nam-Hàn Quốc sẽ bước vào thời kỳ mới với sự bùng nổ của những dự án hàng tỷ USD… Ông Lee Jae Yong, Chủ tịch Tập đoàn Samsung nhấn mạnh: Samsung cũng như các doanh nghiệp Hàn Quốc khác vinh dự được đồng hành với sự phát triển của Việt Nam. Samsung đã đầu tư 18 tỷ USD vào Việt Nam và sẽ tiếp tục đồng hành với Việt Nam, trong đó có mục tiêu đổi mới sáng tạo.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Công nghệ may mặc Spectre An Giang. |
Việc vốn đầu tư nước ngoài mở rộng đang cải thiện đáng kể cho thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của nước ta. Thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cập nhật cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng vốn FDI đăng ký đạt 13,43 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng mức giảm nhỏ dần. Cụ thể, so với cùng kỳ năm trước, tháng 5 mức giảm là 7,3%, tháng 4 giảm gần 18%, tháng 3 giảm 38,8%… Đặc biệt, trong cơ cấu vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 6 tháng đầu năm, chỉ có vốn điều chỉnh là giảm so với cùng kỳ (giảm hơn 57%). Còn lại vốn đăng ký mới tăng mạnh 31,3%, đạt 6,5 tỷ USD; vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt hơn 4 tỷ USD, tăng 76,8% so với cùng kỳ. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, các dự án đầu tư mới hiện vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài như cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư… như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bình Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Đồng Nai.
Đáng lưu ý, số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho thấy, vốn FDI giải ngân tăng nhẹ trong 6 tháng qua, ước đạt 10,2 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ. Mức tăng nhẹ nhưng đây có thể là một sự khởi đầu tích cực cho xu hướng tăng trở lại của vốn giải ngân. Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhận xét, vốn giải ngân tăng trở lại cho thấy các giải pháp quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong những tháng qua đã phần nào hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp. Xu hướng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào nước ta cũng cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang thận trọng trong việc đưa ra quyết định cuối cùng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có rất nhiều bất ổn.
Sẵn sàng các điều kiện cần thiết
Thế giới vẫn đang tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Lạm phát tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao. Trên toàn cầu tăng trưởng thấp, cộng thêm nhiều vấn đề phát sinh như từ năm 2024 dự kiến áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu đã ảnh hưởng lớn đến dòng vốn đầu tư toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Bối cảnh này đòi hỏi Việt Nam cần thực thi nhiều giải pháp hiệu quả để thu hút dòng vốn FDI có chất lượng trong thời gian tới trong bối cảnh dòng vốn FDI có xu hướng chậm lại. Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư như: Rà soát, bổ sung quỹ đất sạch; rà soát lại quy hoạch điện; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; bổ sung chính sách để phát triển công nghiệp hỗ trợ; xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một bộ lọc mới nhằm lựa chọn các nhà đầu tư FDI có công nghệ tiên tiến, có khả năng chống chịu sức ép từ bên ngoài để phát triển bền vững và bảo đảm an ninh quốc gia.
Để thu hút hiệu quả dòng vốn ngoại, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung, Chính phủ Việt Nam đã và đang chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Cùng với đó, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả dòng vốn đầu tư nước ngoài, Chính phủ cũng đã chỉ đạo tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài, trên phương châm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Bổ sung các giải pháp, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, cần loại bỏ hoàn toàn các chi phí không chính thức bởi đây là nút thắt cản trở dòng vốn đầu tư không chỉ của các doanh nghiệp FDI mà còn của các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Đồng thời chủ động triển khai các chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư, khẳng định Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, tin cậy. Chủ động kết nối, làm việc với các tập đoàn lớn của thế giới để trao đổi, chia sẻ những cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Nguồn: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/viet-nam-dang-la-mien-dat-hua-voi-dai-bang-fdi-733622
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()