Việt Nam đã tiếp nhận 80 tỷ USD vốn ODA sau 25 năm
Kể từ năm 1993 đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận 80 tỷ USD nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, trở thành một trong những nước tiếp nhận nguồn vốn này nhiều nhất trên thế giới.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại buổi làm việc. |
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết thông tin trên tại buổi làm việc sáng ngày 25/7 giữa Đoàn giám sát của UBTVQH và Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giao đoạn 2011-2016.
Tham dự buổi làm việc, về phía Chính phủ còn có lãnh đạo các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước…
Trong tổng số 80 tỷ USD, 7 tỷ USD là viện trợ không hoàn lại, trên 70 tỷ USD là vốn vay với lãi suất dưới 2%, và 1,62 tỷ USD vốn vay kém ưu đãi nhưng lãi suất vẫn thấp hơn vốn vay thương mại.
Kết quả trên thể hiện nỗ lực và sự chủ động của Việt Nam trong việc tìm kiếm, tranh thủ nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, Phó Thủ tướng khẳng định.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các nhà tài trợ đều có chung đánh giá Việt Nam đã sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay. Đó cũng là một trong những lý do các nhà tài trợ vẫn tiếp tục cam kết dành cho Việt Nam nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi trong những năm qua.
Bên cạnh những đánh giá độc lập của các nhà tài trợ, Phó Thủ tướng cũng chia sẻ với các ý kiến cho rằng cần có những đánh giá sâu hơn về hiệu quả của các dự án và nguồn vốn vay từ phía Việt Nam để có cái nhìn tổng thể, toàn diện.
Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ cũng nhìn nhận còn có những dự án chưa thật hiệu quả và đã chỉ đạo một số địa phương tập trung khắc phục.
Xác định đây là nguồn vốn có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển đất nước, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu vốn đầu tư lớn như hiện nay, trong khuôn khổ các chuyến thăm, các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đều đề nghị các nước tiếp tục dành cho Việt Nam nguồn vốn vay ưu đãi.
Về định hướng trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam đã qua giai đoạn tiếp nhận các nguồn vốn với lãi suất thấp và chuyển sang giai đoạn tiến cận các ngồn vốn kém ưu đãi hơn, do đó cần có những thay đổi về định hướng thu hút, sử dụng nhằm bảo đảm yêu cầu kép là hiệu quả và khả năng trả nợ.
Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đánh giá kỹ, so sánh các nguồn vốn vay nước ngoài và trái phiếu để có bước đi thích hợp.
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 97/2018/NĐ-CP quy định kể từ ngày 1/7/2018,Chính phủ cho các địa phương vay lại vốn ODA, vốn vay ưu đãi với các mức từ 30% đến 100% tùy khả năng trả nợ của các địa phương nhằm nâng cao trách nhiệm của các đia phương trong việc sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong giai đoạn 2011-2016 về cơ bản các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đồng bộ, kịp thời và phù hợp với tình hình thực tế, có tính khả thi cao góp phần nâng cao hiệu quả thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi hỗ trợ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Việt Nam đạt tỉ lệ cao về số lượng dự án hoàn thành và đạt kết quả phát triển và đạt các mục tiêu đề ra. Theo báo cáo đánh giá kết quả các dự án JICA (Nhật Bản), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), các dự án của cả 3 nhà tài trợ này tại Việt Nam đạt kết quả cao hơn, tốt hơn các quốc gia khác (Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Sri Lanka) trên cơ sở hệ thống tiêu chí của các nhà tài trợ này.
Nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã góp phần quan trọng, tích cực trong việc thúc đẩy kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa. Nhiều công trình, dự án sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng phát huy tốt hiệu quả đầu tư. Các nguồn vốn vay còn hỗ trợ đẩy mạnh quá trình chuyển giao công nghệ và tiếp thu khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý tiên tiến của các nước phát triển trên thế giới, tạo ra việc làm.
Tuy nhiên trong quá trình thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA còn tồn tại một số bất cập hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới như tiến độ thực hiện, giải ngân các chương trình dự án chưa đáp ứng được yêu cầu và cam kết trong hiệp định ký kết với các nhà tài trợ…
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, thảo luận, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết Chính phủ sẽ tiếp thu và nghiên cứu hoàn thiện, bổ sung báo cáo, trong đó chú trọng đánh giá tình hình thu hút, quản lý và sử dụng vốn vay ODA, chỉ rõ những tồn tại bất cập và đưa ra những kiến nghị, giải pháp trong thời gian tới.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()