Việt Nam đa sắc: Chùa Thầy - di sản văn hóa xứ Đoài
Nằm dưới chân núi Sài hùng vĩ, chùa Thầy (Thiên Phúc tự) được biết đến là một quần thể di tích đệ nhất của xứ Đoài, tựa một bức tranh non nước hữu tình.
Men theo cao tốc Láng – Hòa Lạc về phía Tây Nam chừng 25km, chúng tôi ghé thăm chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội). Sở dĩ chùa được gọi là chùa Thầy là vì người dân nơi đây rất tôn sùng Từ Đạo Hạnh – một vị thiền sư thời Lý đã đến đây vào cuối thế kỷ 11. Ông vừa là thầy giáo dạy chữ cho dân, vừa là thầy thuốc, vừa là thầy của những trò chơi dân gian riêng có nơi đây – múa rối nước. Bởi vậy nhân dân quanh vùng tôn ông làm thầy, nơi tu hành của ông được gọi là chùa Thầy.
Tọa lạc dưới chân dãy núi đá vôi hình vòng cung thuộc vùng đất xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, chùa Thầy từ lâu được biết đến là một trong những ngôi chùa linh thiêng và cổ kính của Hà Nội. |
Chùa Thầy ban đầu chỉ có một am nơi thiền sư Từ Đạo Hạnh trụ trì, sau này vua Lý Nhân Tông cho xây dựng lại gồm chùa Cao ở trên núi và chùa dưới hay còn gọi là chùa Cả Thiên Phúc tự. Ngày 31-12-2014, chùa Thầy đã được Nhà nước xếp loại Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đây còn là di tích cách mạng, là công trình kiến trúc độc đáo có một không hai của vùng quê trù phú Quốc Oai.
Chùa Thầy không chỉ đẹp về cảnh quan thiên nhiên mà còn đẹp cả về phong thủy, lối kiến trúc đã làm nên vẻ đẹp cổ kính và thiêng liêng cho ngôi chùa.
Điều níu chân du khách ở lại lâu hơn với miền đất này có lẽ không chỉ bởi những truyền thuyết về ngôi chùa đã ngàn năm tuổi, mà còn bởi khung cảnh thanh bình giữa không gian hùng vĩ của núi Sài. |
Chùa nằm gọn dưới chân ngọn núi đá vôi hình vòng cung nổi lên giữa vùng đồng bằng xã Sài Sơn thuộc địa phận 2 thôn Đa Phúc và Thụy Khuê – là một vùng non nước hữu tình, cảnh trí như chốn bồng lai tiên cảnh. Theo lời kể của những bô lão trong làng, trước khi thiền sư Từ Đạo Hạnh đến đây lập chùa thì ở dưới chân núi có một hồ nước, phía trước là mô đất chạy từ khoảng giữa của núi nhô ra như một con rồng vươn mình uống nước hồ. Những người dân khi ấy đã đắp mô đất rộng thêm, đủ để xây dựng một ngôi chùa bề thế.
Đặc biệt vào những ngày tháng ba, cây gạo cổ thụ trước sân chùa lại đơm hoa nở đỏ rực một góc trời. |
Chùa Thầy có lối kiến trúc tiền phật – hậu thánh, một kiểu khá đặc biệt trong Phật giáo của Việt Nam. Đến với chùa Thầy, du khách sẽ được nghe kể về sự tích của ngôi chùa và được chiêm ngưỡng công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc của người Việt xưa.
Chùa Thầy rộng khoảng 2.400m 2gồm 3 tòa nhà đồ sộ xây dựng song song hình chữ Tam với nghệ thuật điêu khắc khá độc đáo và hiếm có. Không những vậy, chùa Thầy còn tổng hòa yếu tố không gian ánh sáng để truyền tải giáo lý Phật giáo đến với Phật tử. Đó là yếu tố phong thủy tìm sự hòa hợp con người, thiên nhiên, tạo vật. Từ bên ngoài vào chùa cũng là sự chuyển trạng thái từ nơi cuộc sống thế tục để bước vào một thế giới yên tĩnh, lắng đọng.
Chùa hiện còn lưu giữ 7 bia đá đều có niên đại từ thế kỷ 17, trong đó có một tấm bia “Hưng tạo sự công” dựng năm Dương Đức thứ 7 (năm 1673) nói về việc xây dựng nơi thờ Thánh và tên người cúng ruộng công đức.
Trước sân chùa Thầy, tòa Thủy đình nổi lên như bông sen trên mặt nước với những mái đao uốn cong làm cho cảnh sắc nơi đây thêm cổ kính. |
Lưng chừng núi thầy là chùa Cao, hay còn gọi là Đính Sơn tự vốn là Hiển Thụy am. Tương truyền, đây là nơi thiền sư Từ Đạo Hạnh đặt bước chân đầu tiên đến tu hành. Là một quần thể có kiến trúc đẹp gồm 3 gian, gác chuông cao, góc chùa có nhiều bút tích của các danh Nho. Không bề thế như chùa dưới, nhưng chùa Cao lại gợi cho người ta vẻ đẹp huyền bí đến kỳ lạ, trời đất như hòa quyện với nhau tạo ra một không gian thanh bình và sâu lắng.
Có thể thấy rằng, chùa Thầy đã trở thành đệ nhất di sản văn hóa nghệ thuật kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Nếu có dịp, bạn nên một lần ghé qua chùa Thầy để được hòa mình trong khung cảnh núi non hùng vĩ của núi Sài Sơn, được trải lòng mình trong không gian tĩnh mịch đậm chất thôn dã của ngôi chùa cổ, nơi xứ Đoài trù phú, thanh bình. Xin mượn mấy vần thơ của Nam Á Trần Tuấn Khải để trải lòng trước vẻ đẹp non xanh nước biếc chùa Thầy:
“Rủ nhau lên núi Sài Sơn
Ai làm đá ướt đường trơn hỡi mình?
Hỏi non, non những làm thinh
Phải rằng non đã vô tình với ai?
Nước non ví chẳng chiều đời
Mắt xanh đâu lẽ phụ người tình chung?
Yêu nhau ta dắt nhau cùng
Non bao nhiêu đá nặng lòng bấy nhiêu”.
Nguồn: https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/viet-nam-da-sac-chua-thay-di-san-van-hoa-xu-doai-729382
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()