Việt Nam đã có gần 500 công trình xanh ở nhiều địa phương trên cả nước
Ngày 26-9, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2024, Bộ Xây dựng phối hợp với UBND thành phố Hà Nội đồng chủ trì tổ chức “Diễn đàn thúc đẩy phát triển công trình xanh tại Việt Nam: Kinh nghiệm và giải pháp”.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà cho biết: Công trình xanh xuất hiện ở Việt Nam khoảng hơn 15 năm qua, từ những công trình đầu tiên ở Thành phố Hồ Chí Minh, đến giữa năm 2024, Việt Nam đã có gần 500 công trình xanh ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, cho thấy tiềm năng phát triển công trình xanh ở Việt Nam còn rất lớn...
Bên cạnh những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và động lực từ những cam kết, hoạt động quốc tế về thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, việc phát triển công trình xanh ở Việt Nam trong thời gian qua cũng còn gặp nhiều khó khăn, rào cản.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh, chính sách phát triển công trình xanh là xu hướng tất yếu, cần phát huy trách nhiệm của mỗi cấp quản lý, sự tham gia tích cực của cộng đồng và doanh nghiệp.
Thông qua diễn đàn, UBND thành phố Hà Nội cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các cơ quan Trung ương, đối tác trong và ngoài nước để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi đô thị, tạo lập một Thủ đô Hà Nội xanh, thông minh, bền vững...
Chia sẻ giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả năng lượng và phát triển công trình xanh, theo đại diện Sở Công Thương Hà Nội, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, quy định cụ thể về tiêu chuẩn và quy trình xây dựng xanh cũng như cơ chế khuyến khích cho các chủ đầu tư. Đẩy mạnh đào tạo và nâng cao năng lực nguồn nhân lực trong lĩnh vực công trình xanh. Cần có các hoạt động khuyến khích và nhận diện các vật liệu xanh, thiết bị tiết kiệm năng lượng, giúp chủ đầu tư, người tiêu dùng nhận biết rõ hơn về các sản phẩm này.
Bộ Xây dựng đã giao cho Viện Vật liệu xây dựng thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu và quy trình đánh giá, chứng nhận vật liệu xây dựng cho công trình xanh. Tuy nhiên, việc cung cấp thông tin về vật liệu xây dựng xanh vẫn còn gặp khó khăn về mặt pháp lý. Vì vậy, nên nghiên cứu thêm về hiệu quả đầu tư của các công trình xanh, cụ thể là hiệu quả sử dụng và thời gian thu hồi vốn so với công trình thông thường, để người sử dụng có thể nhận thấy lợi ích rõ ràng hơn.
Ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) đánh giá, khả năng phát triển công trình xanh của Việt Nam rất tiềm năng và đa dạng với nhiều loại hình như: Nhà ở, văn phòng, khách sạn…
Bộ Xây dựng đã có những quy chuẩn về tiết kiệm năng lượng; xem xét và ban hành quy chuẩn cơ sở mới giúp các chủ đầu tư, chủ dự án, doanh nghiệp nhận thức sâu sắc và đầy đủ hơn vai trò, trách nhiệm của mình trong việc đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành các dự án, công trình. Qua đó, hướng đến mục tiêu tăng chất lượng, tiện nghi, bảo đảm sức khỏe người sử dụng, hiệu quả năng lượng, bảo vệ môi trường.
Ý kiến ()