Việt Nam-Cộng hòa Séc: Tăng cường hợp tác trong sản xuất ôtô
Ngành công nghiệp ôtô của Việt Nam đã phát triển khá nhanh trong vòng 3 năm trở lại đây và phía Việt Nam đánh giá cao việc Công ty cổ phần Skoda Cộng hòa Séc đầu tư vào Việt Nam.
Ngày 16/11, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã tiếp Đại sứ Vítězslav Grepl và đoàn Skoda Auto Cộng hòa Séc sang Việt Nam tìm kiếm đối tác để đầu tư nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô tại tỉnh Quảng Ninh.
Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa hai nước đang ngày càng được củng cố và phát triển, nhất là việc trao đổi nhiều đoàn cấp cao trong thời gian vừa qua đã tạo đà phát triển trong các lĩnh vực kinh tế, thương maị và đầu tư giữa hai nước.
Ngành công nghiệp ôtô của Việt Nam đã phát triển khá nhanh trong vòng 3 năm trở lại đây và phía Việt Nam đánh giá cao việc Công ty cổ phần Skoda Cộng hòa Séc đầu tư vào Việt Nam.
Đây là hãng xe lâu đời của Cộng hòa Séc và đã được người Việt Nam biết đến, đánh giá cao. Do vậy, việc các dòng xe Skoda có mặt tại Việt Nam sẽ giúp đa dạng hóa thị trường ôtô và có triển vọng phát triển tốt trong tương lai.
Ngài Vítězslav Grepl Đại sứ Cộng hòa Séc tại Việt Nam cũng bày tỏ sự vui mừng về mối quan hệ hiện nay giữa hai nước không ngừng được phát triển và hy vọng trong tương lai, hợp tác trong lĩnh vực sản xuất ôtô cũng sẽ là một lĩnh vực hợp tác trọng tâm giữa hai nước.
Tại phần giới thiệu Công ty cổ phần Skoda Cộng hòa Séc, ông Ondrej Cerny cho biết Skoda Auto là một hãng sản xuất ôtô của Cộng hòa Séc thuộc tập đoàn Volkswagen, thành lập từ năm 1895.
Công ty dự kiến đầu tư dây chuyền, xây dựng nhà sản xuất ôtô tại Quảng Ninh và dự kiến có thể bắt đầu xuất khẩu ôtô vào năm 2023. Để dự án đạt được kế hoạch và hiệu quả mong đợi, Công ty mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành và cơ quan của Việt Nam hỗ trợ và tạo điều kiện.
Ghi nhận đề nghị của phía Cộng hòa Séc, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã giao các đơn vị chuyên môn của Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với phía bạn, đồng thời lưu ý việc Việt Nam đã ký kết 14 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước trong và ngoài khu vực, đặc biệt các cam kết trong ASEAN, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại Việt Nam-EU (EVFTA) liên quan đến lĩnh vực ôtô.
Do vậy, phía Cộng hòa Séc cần nghiên cứu kỹ các cam kết quốc tế của Việt Nam, cũng như các quy định pháp luật trong nước để thực hiện việc đầu tư, trên cơ sở cạnh tranh bình đẳng tại thị trường Việt Nam.
Tính đến tháng 10/2021, Cộng hòa Séc có 38 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 91,23 triệu USD, xếp thứ 49 trên tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam./.
Ý kiến ()