Việt Nam coi trọng quan hệ hợp tác với các nước Trung Đông-châu Phi
Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 69/70 quốc gia Trung Đông-châu Phi; có quan hệ thương mại với tất cả các quốc gia trong khu vực với kim ngạch hai chiều đạt trên 17,5 tỷ USD năm 2018.
Nhằm tăng cường kết nối và phát huy hơn nữa vai trò của các Cơ quan đại diện ngoại giao của các quốc gia Trung Đông-châu Phi tại Việt Nam, Bộ Ngoại giao lần đầu tiên tổ chức Hội nghị “Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông-châu Phi năm 2019” trong hai ngày 9-10/9 tại Hà Nội.
Hội nghị tạo diễn đàn đối thoại, trao đổi trực tiếp giữa các Cơ quan đại diện ngoại giao khu vực với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam về các biện pháp cụ thể thúc đẩy hơn nữa hợp tác nhiều mặt giữa hai bên.
Sự kiện có sự tham dự của các Trưởng Cơ quan đại diện ngoại giao thường trú và không thường trú, Lãnh sự danh dự của các quốc gia Trung Đông-châu Phi tại Việt Nam; đại diện một số đối tác phát triển, tổ chức quốc tế lớn như Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới, Liên minh châu Âu, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản…; các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam cùng nhiều doanh nghiệp hai bên.
Hội nghị tập trung thảo luận một số nội dung chính như: tình hình kinh tế-xã hội, một số định hướng lớn trong chính sách đối ngoại của Việt Nam thời gian tới, nhất là những ưu tiên của Việt Nam khi đã trúng cử vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021; tình hình hợp tác giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông-châu Phi, bao gồm cả hợp tác giữa các bộ, ngành Việt Nam với các Cơ quan đại diện ngoại giao các quốc gia khu vực, thời gian qua và phương hướng thời gian tới.
Các đại biểu dự hội nghị cùng nhau bàn thảo các biện pháp tăng cường xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai bên; phương thức hợp tác mới về nông nghiệp giữa hai bên; khả năng mở rộng hơn nữa hợp tác viễn thông giữa Việt Nam và khu vực.
Đặc biệt, các đại biểu sẽ có những buổi thảo luận và tham quan thực địa ý nghĩa tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đơn vị đầu ngành về khoa học nông nghiệp và thủy sản, có nhiều kinh nghiệm hợp tác với châu Phi.
Trong ngày 9/9, các đại biểu sẽ dự khai mạc Hội nghị và một số hoạt động chính như: các phiên thảo luận về hợp tác giữa hai bên gồm: Phiên tổng quan; Phiên Hợp tác kinh tế: “Nâng cao hiệu quả hợp tác thương mại Việt Nam-Trung Đông-châu Phi”; tọa đàm: “Hợp tác Kinh tế trong không gian Pháp ngữ và vai trò của Việt Nam”…
Là đối tác tin cậy và có trách nhiệm của các quốc gia Trung Đông-châu Phi, Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống với các quốc gia trong khu vực.
Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 69/70 quốc gia Trung Đông-châu Phi; có quan hệ thương mại với tất cả các quốc gia trong khu vực với kim ngạch hai chiều đạt trên 17,5 tỷ USD năm 2018, tăng 300% so với năm 2008; đầu tư trên 2,6 tỷ USD vào khu vực và tiếp nhận trên 7 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp từ khu vực.
Việt Nam đã triển khai thành công nhiều mô hình hợp tác song phương, ba-bốn bên, với sự hỗ trợ của một số quốc gia phát triển và tổ chức quốc tế, về nông nghiệp, y tế, giáo dục… với các quốc gia châu Phi.
Viễn thông , lao động… là những điểm sáng trong hợp tác, được dư luận hai bên ghi nhận và đánh giá cao.
Việc làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống với các quốc gia Trung Đông-châu Phi luôn là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Trên tinh thần đó, Việt Nam đánh giá cao vai trò và những đóng góp hết sức quan trọng của hệ thống các Cơ quan đại diện ngoại giao thường trú và không thường trú của các quốc gia Trung Đông-châu Phi tại Việt Nam, các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế vào những thành tựu nêu trên./.
Ý kiến ()