Việt Nam coi trọng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược với Hàn Quốc
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee-sang, bên lề Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước Á-Âu lần thứ ba (MSEAP 3), tháng 10/2018 ở Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ).
Việt Nam-Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 22/12/1992. Tháng 8/2001, hai nước ra tuyên bố chung về “Quan hệ đối tác toàn diện thế kỷ 21” nhân chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Tháng 10/2009, quan hệ hai nước được nâng cấp lên thành Đối tác hợp tác chiến lược nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak. Điều đó khẳng định ý chí và quyết tâm chính trị của lãnh đạo cũng như nhân dân hai nước, tạo cơ sở chính trị quan trọng đưa quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc phát triển ở tầm cao mới trên tất cả các lĩnh vực.
Bên cạnh hợp tác song phương, Việt Nam và Hàn Quốc còn là những đối tác quan trọng có đóng góp tích cực trong các diễn đàn, khuôn khổ hợp tác đa phương của khu vực và quốc tế. Quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam-Hàn Quốc duy trì đà phát triển mạnh mẽ, toàn diện và ngày càng đi vào chiều sâu, trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao giữa hai nước được duy trì thường xuyên.
Quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Hàn Quốc không ngừng được củng cố và phát triển tốt đẹp trên cả song phương và đa phương, góp phần thúc đẩy mối quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam-Hàn Quốc. Tháng 7/2013, nhân chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, hai bên đã ký thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội. Trong hai nhiệm kỳ gần đây các Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc đều đã đi thăm Việt Nam (Chủ tịch Quốc hội Chung Ui-Hwa thăm Việt Nam tháng 3/2015; Chủ tịch Quốc hội Chung Sye-kyun thăm Việt Nam tháng 4/2017). Phía Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thăm Hàn Quốc tháng 7/2017. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn của các cơ quan của Quốc hội. Nhóm Nghị sỹ hữu nghị hai nước hoạt động khá tích cực, thường xuyên gặp gỡ, giao lưu và phối hợp tổ chức các sự kiện nhân ngày lễ lớn của hai nước.
Hợp tác hiệu quả trên nhiều lĩnh vực
Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ nhất về đầu tư, thứ hai về ODA (sau Nhật Bản), thứ ba về thương mại (sau Trung Quốc và Liên minh châu Âu). Các cơ chế hợp tác song phương tiếp tục được duy trì như Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật Việt Nam-Hàn Quốc, Ủy ban hỗn hợp cấp Bộ trưởng về hợp tác trong lĩnh vực điện hạt nhân, năng lượng và công nghiệp.
Trong 10 tháng đầu năm 2018, kim ngạch thương mại hai nước đạt 54,2 tỷ USD. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc có hiệu lực từ ngày 20/12/2015 đã tạo động lực mới góp phần thực hiện mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên mức 100 tỷ USD vào năm 2020 theo thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao hai nước ký vào tháng 3/2018.
Tính lũy kế đến tháng 10/2018, trong tổng số 128 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, Hàn Quốc đứng thứ nhất, có 7.323 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 62,1 tỷ USD (chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư). Trong 10 tháng đầu năm 2018, Hàn Quốc đứng thứ 2/104 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam với vốn đăng ký 6,5 tỷ USD, chiếm 23,4% tổng vốn đầu tư. Trong đó có dự án nhà máy sản xuất polypropylene và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng tại Việt Nam với vốn đầu tư 1,2 tỷ USD do tập đoàn Hyosung đầu tư tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Hàn Quốc đã đầu tư vào 19 lĩnh vực, chủ yếu là công nghiệp gia công, chế tạo, bất động sản, xây dựng… tập trung nhiều vào một số địa phương như: Bắc Ninh, Hà Nội, Đồng Nai, Hải Phòng và Thái Nguyên.
Hàn Quốc là đối tác cung cấp ODA lớn thứ hai của Việt Nam (sau Nhật Bản) và Việt Nam là nước nhận viện trợ ODA lớn nhất của Hàn Quốc. Hàn Quốc đã hỗ trợ 1,2 tỷ USD vốn vay ưu đãi từ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) cho giai đoạn 2012 – 2015 và 1,5 tỷ USD cho giai đoạn 2016-2020, tập trung vào ba lĩnh vực: tăng trưởng xanh, xây dựng hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực. Nhìn chung, các dự án ODA của Hàn Quốc đều nằm trong lĩnh vực ưu tiên cao của Việt Nam, triển khai đúng tiến độ, có mức giải ngân tăng đều qua các năm.
Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu lao động lớn thứ hai của Việt Nam (sau Đài Loan, Trung Quốc) và Việt Nam là nước xuất khẩu lao động lớn thứ hai (sau Trung Quốc). Hàn Quốc đã bỏ chế độ tuyển tu nghiệp sinh Việt Nam, áp dụng chương trình Cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) từ năm 2004 thông qua việc ký Bản ghi nhớ về hợp tác lao động (gia hạn hằng năm). Hai bên đang triển khai thí điểm đưa lao động tại một số địa phương Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp.
Những năm gần đây, Hàn Quốc nổi lên là một trong những thị trường cung cấp khách du lịch trọng điểm của Việt Nam (lớn thứ 2 sau Trung Quốc). Năm 2017, trên 2,5 triệu lượt du khách Hàn Quốc đã tới Việt Nam, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2016, khách Việt Nam đến Hàn Quốc đạt khoảng 325 nghìn lượt người, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước đó. Trong 10 tháng đầu năm nay, khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam đạt 2,8 triệu lượt người, tăng 48,3%; khách du lịch Việt Nam đến Hàn Quốc đạt hơn 440 nghìn lươt người, tăng 37,3% so với cùng kỳ năm trước. Hiện trung bình mỗi tháng có hơn 1.000 chuyến bay thẳng giữa hai nước.
Hai nước đã ký Hiệp định văn hóa (8/1994), Bản ghi nhớ về hợp tác văn hóa nghệ thuật, thể thao và du lịch (10/2008) cùng nhiều thỏa thuận hợp tác giao lưu thanh niên và giáo dục khác. Năm 2006, Hàn Quốc thành lập Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Hà Nội…
Hàn Quốc tích cực hỗ trợ Việt Nam triển khai mô hình nông thôn mới, nổi bật nhất là Chương trình hạnh phúc tại Quảng Trị và Lào Cai. Thỏa thuận hợp tác về Chương trình hạnh phúc tại Quảng Trị triển khai từ năm 2015 tại 7 xã thuộc tỉnh Quảng Trị, tổng mức đầu tư đạt 11,6 triệu USD (Hàn Quốc viện trợ không hoàn lại 9,67 triệu USD; Việt Nam cung cấp 1,93 triệu USD vốn đối ứng). Chương trình hạnh phúc tại Lào Cai được khởi động từ tháng 2/2015; tổng vốn đầu tư đạt 31 triệu USD (Hàn Quốc viện trợ không hoàn lại 14 triệu USD, Việt Nam cung cấp 17 triệu USD vốn đối ứng); gồm 4 hợp phần (phát triển cộng đồng, tăng cường năng lực cho nhân viên y tế, phát triển giáo dục, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ và công chức).
Năm 1995, Việt Nam-Hàn Quốc ký kết Hiệp định về hợp tác khoa học và công nghệ cấp chính phủ. Trong lĩnh vực công nghệ cao, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và Khu Công viên Khoa học Chung Nam – Hàn Quốc đã ký Thỏa thuận hợp tác từ năm 2010. Dự án Vườn ươm công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc tại thành phố Cần Thơ đã khánh thành vào năm 2015. Hiện Việt Nam và Hàn Quốc đang xúc tiến đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Viện Khoa học kỹ thuật Việt Nam-Hàn Quốc (V-KIST), nhất là khâu tuyển chọn đội ngũ lãnh đạo, quản lý.
Hợp tác về sở hữu trí tuệ được tăng cường thông qua việc trao đổi cán bộ, thông tin, đào tạo cán bộ theo các chương trình đào tạo của Cục Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO), Trung tâm đào tạo quốc tế về sở hữu trí tuệ (IIPTI), hợp tác trong lĩnh vực tự động hóa quản lý sở hữu trí tuệ, thực thi quyền và các vấn đề liên quan đến Hiệp ước hợp tác sáng chế (PCT)…
Theo thống kê của Cục quản lý xuất nhập cảnh Hàn Quốc, tới tháng 10/2018, cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc có hơn 190.000 người. Hàn Quốc cũng có cộng đồng khoảng 150.000 kiều dân tại Việt Nam, phần lớn là doanh nhân. Hai bên thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu hữu nghị tại mỗi nước, góp phần tăng cường hiểu biết và tin cậy giữa nhân dân hai nước. 60 tỉnh, thành, địa phương của hai nước đã ký kết và đang triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác. Chính phủ hai nước đang thúc đẩy đàm phán ký Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, thương mại nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng, tạo điều kiện để công dân mỗi nước yên tâm sinh sống, làm việc tại nước kia…
Chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhằm thể hiện sự coi trọng quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam-Hàn Quốc và mong muốn phát triển mối quan hệ lên tầm cao mới; cùng với đó là khẳng định sự ủng hộ chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc và triển khai thực hiện Thỏa thuận hợp tác đã ký giữa hai Quốc hội (tháng 7/2013), đưa mối quan hệ giữa hai cơ quan lập pháp hai nước phát triển trên cả hai bình diện song phương và đa phương./.
Ý kiến ()