Việt Nam có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Thụy Sĩ
Tổng thống Ueli Maurer cho biết Việt Nam có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Thụy Sĩ, hai nước thường xuyên có trao đổi, tiếp xúc cấp cao trong khuôn khổ các diễn đàn đa phương.
Đại sứ Việt Nam Lê Linh Lan và Tổng thống Thụy Sĩ Ueli Maurer, tại lễ trình quốc thư, ngày 9/4 tại Bern, Thụy Sĩ.
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, ngày 9/4, tại thủ đô Bern, Thụy Sĩ, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước ta tại Thụy Sĩ, bà Lê Linh Lan đã trình Quốc thư lên Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ, ông Ueli Maurer.
Phát biểu tại buổi tiếp sau lễ trình Quốc thư, Đại sứ Lê Linh Lan bày tỏ vui mừng và vinh dự được đảm nhận cương vị Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Liên bang Thụy Sĩ vào thời điểm quan hệ Việt Nam-Thụy Sĩ đang phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực.
Hai nước thường xuyên trao đổi các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao trong khuôn khổ song phương và đa phương, tiến hành định kỳ tham vấn chính trị và đối thoại nhân quyền hàng năm.
Kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 1,5 tỷ USD, nhiều tập đoàn lớn của Thụy Sĩ đã và đang kinh doanh hiệu quả ở Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt 2 tỷ USD, đưa Thụy Sĩ trở thành nhà đầu tư châu Âu lớn thứ tư ở Việt Nam.
Việt Nam là một trong hai nước ưu tiên ở khu vực châu Á trong chính sách hợp tác phát triển kinh tế của Thụy Sĩ, các dự án ODA Thụy Sĩ dành cho Việt Nam đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.
Việc Thụy Sĩ mở Tổng Lãnh sự quán tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2015 và khai trương đường bay trực tiếp tới Việt Nam năm 2018 là những minh chứng cụ thể cho sự phát triển năng động của quan hệ song phương Việt Nam-Thụy Sĩ .
Đại sứ Lê Linh Lan bày tỏ Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ và hợp tác quý báu của Thụy Sĩ nhằm đưa quan hệ song phương giữa hai nước lên tầm cao mới.
Đại sứ hy vọng trong nhiệm kỳ của mình, hai nước sẽ thúc đẩy trao đổi các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao; sớm hoàn tất đàm phán và ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Hiệp hội Mậu dịch Tự do châu Âu (EFTA); ký kết các thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo nghề; hợp tác chặt chẽ nhằm triển khai hiệu quả các dự án ODA của Thụy Sĩ tại Việt Nam; phối hợp tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa ở cả hai nước nhân dịp kỷ niệm 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (1971-2021).
Nhân dịp này, Đại sứ Lê Linh Lan trân trọng chuyển lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mời Tổng thống Thụy Sĩ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam trong năm 2021.
Tổng thống Ueli Maurer nồng nhiệt chào mừng Đại sứ Lê Linh Lan đảm nhận cương vị mới tại Thụy Sĩ. Ông chia sẻ bản thân và các thành viên trong gia đình dành nhiều tình cảm cho đất nước Việt Nam tươi đẹp và rất ấn tượng trước dân số trẻ và sự phát năng động của đất nước.
Tổng thống Ueli Maurer cho biết Việt Nam có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Thụy Sĩ, hai nước thường xuyên có trao đổi, tiếp xúc cấp cao trong khuôn khổ các diễn đàn đa phương, gần đây nhất là tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos đầu năm nay.
Trong năm 2019, dự kiến Bộ trưởng Kinh tế, Giáo dục và Nghiên cứu Thụy Sĩ, Guy Parmelin, sẽ thăm Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước.
Với nhiều điểm tương đồng về phương hướng và biện pháp tăng cường quan hệ song phương, Thụy Sĩ mong muốn hai nước sẽ trao đổi chuyến thăm cấp cao nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Cá nhân Tổng thống Ueli Maurer và Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ luôn ủng hộ và sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam nhằm mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ giữa hai nước./.
Ý kiến ()