Việt Nam có những đóng góp quan trọng trong việc hình thành cộng đồng ASEAN vào năm 2015
Ngày 30/12/2014, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao, với tư cách Cơ quan Điều phối Quốc gia về hợp tác ASEAN, đã tổ chức cuộc họp liên Bộ/ngành nhằm tổng kết, đánh giá tình hình tham gia hợp tác ASEAN trong năm 2014 và phương hướng công tác năm 2015. Cuộc họp do Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung chủ trì với sự tham dự của đại diện hơn 20 Bộ/ngành tham gia hợp tác ASEAN.
Cuộc họp do Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung chủ trì với sự tham dự của |
Tình hình hợp tác ASEAN năm 2014
Trong năm 2014, ASEAN tiếp tục nỗ lực và đạt nhiều kết quả trọng trong triển khai Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015 ( tính đến tháng 11/2014, tỷ lệ triển khai Lộ trình đạt trên 85%);củng cố và tăng cường đoàn kết, thống nhất nội bộ; đẩy mạnh quan hệ với các bên đối thoại và phát huy vai trò chủ đạo trong các diễn đàn khu vực; phát huy vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực đang định hình, nhất là ứng phó kịp thời với những thách thức lớn nảy sinh ở khu vực .Để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới trong 10 năm tới, ASEAN đã khởi động xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015 nhằm đề ra các định hướng, mục tiêu, cách thức và biện pháp thúc đẩy liên kết ASEAN sâu rộng và toàn diện hơn, nâng cao khả năng thích ứng cũng như vai trò và vị thế của ASEAN trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường.
ASEAN thúc đẩy các nỗ lực xây dựng Cộng đồng, tăng cường kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển
– Về chính trị-an ninh , ASEAN tiếp tục nỗ lực thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, chia sẻ các chuẩn mực ứng xử; duy trì tiếng nói chung đối với những vấn đề ảnh hưởng đế hoàn bình, an ninh và ổn định ở khu vực; phát huy hiệu quả hoạt động của các cơ chế, diễn đàn về an ninh khu vực như TAC, SEANFWZ, DOC. Riêng về vấn đề Biển Đông, ASEAN tiếp tục thể hiện được đoàn kết và tiếng nói chung như được thể hiện trong Tuyên bố riêng về Biển Đông của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ngày 10/5/2014, Thông cáo chung Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47 (tháng 8/2014), Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 và 25 (tháng 5 và tháng 11/2014); tăng cường trao đổi với Trung Quốc về thực hiện DOC và xây dựng COC; thu hút sự quan tâm và tập hợp được sự ủng hộ của các nước về bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
– Về kinh tế, ASEAN đã triển khai được 82% biện pháp trong Danh mục ưu tiên năm 2013 và tích cực triển khai Danh mục ưu tiên năm 2014; thực thi các biện pháp thuận lợi hóa thương mại (cơ chế Hải quan một cửa ASEAN, tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa…); ký các NĐT sửa đổi Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA); thực hiện Gói cam kết dịch vụ thứ 9 và 10 về cam kết thương mại dịch vụ.
Liên kết kinh tế ngoại khối tiếp tục được đẩy mạnh thông qua các FTA 1 với các đối tác (TQ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và Niu Dilân); đẩy mạnh thương lượng lập Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) nhằm tạo ra không gian kinh tế thuận lợi cho thương mại và đầu tư, với 1/2 dân số thế giới và 1/3 GDP toàn cầu.
– Về văn hóa-xã hội : ASCC tập trung triển khai các lĩnh vực ưu tiên trong năm 2014 (gồm quản lý thiên tai, biến đổi khí hậu, phúc lợi xã hội, tăng cường nhận thức của người dân và xây dựng bản sắc ASEAN…); thúc đẩy xây dựng văn kiện pháp lý về lao động di cư; thông qua Kế hoạch truyền thông về Cộng đồng ASEAN (ACMP) nhằm nâng cao nhận thức của người dân…
– ASEAN đẩy mạnh kết nối khu vực và thu hẹp khoảng cách phát triển thông qua triển khai Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC) và Kế hoạch Công tác Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI).
– Trong năm 2014, ASEAN cũng đã tiến hành rà soát và đề ra các biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy tổ chức ASEAN nhằm đáp ứng các yêu cầu cao hơn khi ASEAN đi vào Cộng đồng cũng như giai đoạn phát triển cao hơn sau đó.
Chuẩn bị cho giai đoạn phát triển sau 2015: Hội nghị Cấp cao 25 (11/2014) đã thông qua các thành tố chính của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015; và giao cho các Bộ trưởng và Quan chức cao cấp xây dựng văn kiện Tầm nhìn để trình Cấp cao tháng 11/2015 thông qua. Nội hàm cụ thể của Tầm nhìn và các KHTT triển khai Tầm nhìn trên cả ba trụ cột sẽ tiếp tục được cụ thể hóa trong năm 2015, thông qua hoạt động của Nhóm Đặc trách cấp cao (HLTF).
Mở rộng và làm sâu sắc quan hệ đối ngoại, tiếp tục phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình: – ASEAN tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác thông qua các khuôn khổ ASEAN 1, ASEAN 3, Diễn đàn Khu vực ASEAN, Cấp cao Đông Á, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng…; khẳng định vai trò chủ động và tích cực trong việc định hướng và dẫn dắt các các tiến trình này nhằm bảo đảm và phát huy vai trò trung tâm ở khu vực. C ác đối tác khẳng định tiếp tục coi trọng và thúc đẩy quan hệ với ASEAN, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình cũng như nỗ lực xây dựng Cộng đồng, liên kết và hội nhập khu vực và đưa ra nhiều đề xuất hợp tác.
Bên cạnh việc đưa các quan hệ đối tác chiến lược đã thiết lập với TQ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ đi vào chiều sâu, ASEAN nhất trí sẽ đưa quan hệ đối thoại với Mỹ, Úc và EU lên đối tác chiến lược. ASEAN cũng đã tổ chức thành công Cấp cao không chính thức ASEAN-EU lần đầu tiên (10/2015), Cấp cao kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ đối thoại với Úc (11/2014), 25 năm quan hệ đối thoại với Hàn Quốc (12/2014).
Tình hình Việt Nam tham gia hợp tác ASEAN năm 2014
Với phương châm chủ động, tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam tham gia đầy đủ, hoàn thành nghiêm túc các cam kết và đóng góp hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN.
Việt Nam đã chủ động thúc đẩy tăng cường đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN trong việc xử lý những thách thức lớn nảy sinh ở khu vực, nhất là trong vấn đề Biển Đông, trong đó có Tuyên bố riêng về Biển Đông của các BTNG ASEAN ngày 10/5/2014 (lần đầu tiên kể từ Tuyên bố năm 1992); thúc đẩy thực hiện DOC và xây dựng COC.
Việt Nam tích cực đóng góp vào tiến trình xây dựng Cộng đồng: Việt Nam là một trong số các thành viên ASEAN đạt tỷ lệ cao hoàn thành các dòng hành động trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (2009-2015), trong đó:
Về chính trị-an ninh, Việt Nam tích cực tham gia triển khai 14 lĩnh vực ưu tiên trong Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN, nhận chủ trì 04 dòng hành động của trụ cột Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN. Ta đã chủ trì tổ chức thành công Diễn đàn Biển ASEAN (AMF) và Diễn đàn Biển ASEAN Mở rộng (EAMF) (Đà Nẵng, 27-28/8/20140 nhằm thúc đẩy hợp tác biển, tăng cường vai trò và đóng góp của diễn đàn đối với hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải trong khu vực.
Về kinh tế , Việt Nam tích cực đóng góp thúc đẩy liên kết kinh tế, là một trong ba nước đạt tỷ lệ cao nhất thực hiện các biện pháp xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (84,5%). Ta cũng tích cực đóng góp thúc đẩy hợp tác kinh tế sâu rộng hơn với các đối tác, trong đó đảm nhiệm tốt vai trò điều phối hoàn tất đàm phán dịch vụ ASEAN-Nhật Bản, tích cực tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và là chủ tọa Nhóm Đầu tư về phía ASEAN trong đàm phán đầu tư.
Về văn hóa-xã hội, Việt Nam đã chủ động đề xuất sáng kiến, tích cực thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như: an sinh xã hội, môi trường và biến đổi khí hậu, quản lý thiên tai, thúc đẩy và bảo vệ quyền của lao động di cư… Việt Nam đã chủ trì tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng như Hội nghị Bộ trưởng phụ trách Văn hóa Nghệ thuật ASEAN lần thứ 6 (4/2014), Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 12 và các hội nghị liên quan (9/2014), Hội nghị đánh giá giữa kỳ Chương trình làm việc của các Bộ trưởng Lao động ASEAN (ALM-WP) giai đoạn 2010-2015 , Hội thi tay nghề ASEAN (tháng 10/2014).
Bên cạnh đó, Việt Nam tích cực tham gia triển khai Kế hoạch Tổng thể về Kết nối (MPAC) và Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI); vận động các nước đối tác tham gia và hỗ trợ thực hiện.
Năm 2014, Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy c ông tác tuyên truyền về Cộng đồng ASEAN, như lập cổng làm thủ tục xuất nhập cảnh riêng cho công dân các nước ASEAN tại các sân bay quốc tế của ta; Tổ chức thường niên cuộc thi Tem bưu chính ASEAN ; Tổ chức thi tìm hiểu về ASEAN (ASEAN Quiz); tổ chức “Những Ngày đại đoàn kết ASEAN” diễn ra tại Làng văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt.
Việt Nam tích cực đóng góp thúc đẩy và làm sâu sắc thêm quan hệ với các đối tác, giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực
– Việt Nam đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ sâu rộng hơn với các đối tác đối thoại và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực; vận động các đối tác đối thoại đóng góp, hỗ trợ triển khai các trọng tâm, ưu tiên của ASEAN, nhất là tiến trình xây dựng Cộng đồng .
– Việt Nam đã đề xuất sáng kiến và chủ trì tổ chức thành công cuộc họp SOM đặc biệt về vai trò trung tâm của ASEAN và định hướng chiến lược về cấu trúc khu vực trong tương lai (Hà Nội, tháng 6/2014), được các nước ASEAN đánh giá là kịp thời trong bối cảnh ASEAN đang chịu tác động mạnh mẽ từ những diễn biến khu vực và quốc tế phức tạp và khó lường.
Phương hướng tham gia hợp tác ASEAN năm 2015
Năm 2015 sẽ là dấu mốc quan trọng đưa ASEAN chuyển sang giai đoạn mới với việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm và xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015 với những khuôn khổ và luật chơi mới. Bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế diễn biến phức tạp đặt ra thách thức cho đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực. Bên cạnh đó, ASEAN cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn nội tại như nguồn lực hạn chế, bộ máy hoạt động chưa hiệu quả…
Trong năm 2015, Việt Nam sẽ tập trung vào các trọng tâm, ưu tiên sau:
Thứ nhất, tích cực thúc đẩy hình thành Cộng đồng ASEAN 2015, trong đó thực hiện các chương trình/kế hoạch về xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015, rà soát để điều chỉnh các quy định trong nước cho phù hợp với cam kết trong ASEAN, tăng cường công tác tuyên truyền về Cộng đồng ASEAN để người dân hiểu về ASEAN cũng như vai trò và vị thế của Việt Nam trong ASEAN;
Thứ hai, chủ động tham gia xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015 và các Kế hoạch Tổng thể triển khai Tầm nhìn trên cả 3 trụ cột;
Thứ ba, tăng cường đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác ở khu vực;
Thứ tư, góp phần thúc đẩy quan hệ đối ngoại của ASEAN, trong đó sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò nước điều phối quan hệ đối thoại ASEAN-EU (7/2012-7/2015); chuẩn bị và đảm nhiệm vai trò nước điều phối quan hệ đối thoại ASEAN-Ấn Độ (7/2015-7/2018);
Thứ năm, tăng cường bộ máy và cơ chế phối hợp giữa các Bộ/ngành của Việt Nam tham gia hợp tác ASEAN, chuẩn bị cho Cộng đồng ra đời và giai đoạn phát triển sau đó.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()