Việt Nam có nhiều đóng góp trong xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế về thực phẩm
Kể từ khi trở thành thành viên chính thức của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Ủy ban Codex quốc tế - CAC), Ủy ban Codex Việt Nam có những đóng góp tích cực, hiệu quả trong hoạt động xây dựng các tiêu chuẩn thực phẩm, trở thành cầu nối giữa các doanh nghiệp trong nước và các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu sản phẩm thực phẩm của Việt Nam thời gian qua.
Kể từ khi trở thành thành viên chính thức của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Ủy ban Codex quốc tế – CAC), Ủy ban Codex Việt Nam có những đóng góp tích cực, hiệu quả trong hoạt động xây dựng các tiêu chuẩn thực phẩm, trở thành cầu nối giữa các doanh nghiệp trong nước và các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu sản phẩm thực phẩm của Việt Nam thời gian qua.
ỦY ban Codex quốc tế – CAC, là một tổ chức liên chính phủ của LHQ do tổ chức Nông lương thế giới (FAO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đồng sáng lập vào năm 1963. Hiện nay, Ủy ban Codex quốc tế có 187 quốc gia thành viên tham gia. Mục tiêu của Ủy ban Codex quốc tế, là thực hiện việc xây dựng các tiêu chí, hướng dẫn về chất lượng và an toàn thực phẩm (ATTP), bảo đảm công bằng trong thương mại thực phẩm quốc tế. Ðể thực hiện mục tiêu đó, 18 ban kỹ thuật, nhóm đặc trách thực hiện việc xây dựng các tiêu chuẩn, hướng dẫn và quy phạm thực hành trong lĩnh vực thực phẩm đã được thành lập.
Ngoài ra, các tiêu chuẩn do Ủy ban Codex quốc tế xây dựng liên quan đến tất cả các loại thực phẩm như tiêu chuẩn chung về phụ gia thực phẩm hoặc nhóm sản phẩm, ghi nhãn thực phẩm, hệ thống thanh tra và chứng nhận xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, Ủy ban Codex quốc tế ban hành các tiêu chí riêng cho các sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm như tiêu chuẩn rau quả tươi; cho thịt, sữa và các sản phẩm sữa; cá và các tiêu chuẩn về thủy sản… Ðáng chú ý, tiêu chuẩn Codex được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), lấy làm căn cứ để phán xử tranh chấp trong thương mại quốc tế về thực phẩm như được quy định trong Hiệp ước về Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) và kiểm dịch động thực vật (SPS). Ðến nay, Ủy ban Codex quốc tế xây dựng được hơn 100 các tiêu chuẩn, hướng dẫn và quy phạm thực hành (an toàn); hơn 2.000 điều khoản về phụ gia TP; 200 tiêu chuẩn (chất lượng) sản phẩm TP; gần 4.000 mức dư lượng tối đa cho thuốc bảo vệ thực vật…
Năm 1994, Ủy ban Codex Việt Nam được thành lập, do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì có chức năng tham mưu về công tác tiêu chuẩn hóa cho các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến thực phẩm, thay mặt Chính phủ tham gia các hoạt động về tiêu chuẩn hóa thực phẩm trong các tổ chức quốc tế và khu vực, đồng thời đề xuất các chính sách quản lý tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh ATTP ở Việt Nam. Năm 2008, theo Nghị định của Chính phủ, Bộ Y tế được giao là cơ quan thường trực Ủy ban Codex Việt Nam, với sự tham gia của các cơ quan quản lý thuộc các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Khoa học và Công nghệ và các doanh nghiệp, hiệp hội trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Với chủ chương của Chính phủ là hội nhập quốc tế, hài hòa các quy định luật pháp của Việt Nam với quốc tế, cho nên hiện nay hầu hết các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam trong lĩnh vực ATTP đã được thực hiện hài hòa với tiêu chuẩn Codex. Ðồng thời, Ủy ban Codex Việt Nam cũng là cầu nối giữa các doanh nghiệp trong nước với các tổ chức quốc tế, là cơ quan quản lý trong lĩnh vực ATTP nhằm bảo vệ người tiêu dùng và công bằng thương mại. Ủy ban Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan tham gia góp ý cho các dự thảo tiêu chuẩn quốc tế có liên quan đến sản xuất, kinh doanh thực phẩm của Việt Nam như: Tiêu chuẩn Codex quốc tế về nước mắm; khuyến nghị về ghi nhãn thực phẩm và thành phần thực phẩm thu được bằng kỹ thuật biến đổi gien/kỹ thuật gien; hướng dẫn áp dụng các nguyên tắc chung về vệ sinh thực phẩm để kiểm soát vi-rút trong thực phẩm; soát xét hướng dẫn thiết lập các tiêu chí vi sinh vật trong thực phẩm; giới hạn tối đa Melamine trong sữa lỏng cho trẻ em… Ðồng thời, Ủy ban Codex Việt Nam tham gia vào một số Ban kỹ thuật như: Vệ sinh thực phẩm (CCFH); Phụ gia thực phẩm (CCFA); Cá và Thủy sản (CCFFP); Dư lượng thuốc trừ sâu trong thực phẩm (CCRR)… Ðặc biệt, năm 2011, tại Hội nghị Ðại hội đồng Codex quốc tế đã thông qua “Tiêu chuẩn Codex về nước mắm – Codex Stan 302- 2011”, đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia và xây dựng thành công một tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực chất lượng ATTP.
Với sự tham gia tích cực và có hiệu quả của Ủy ban Codex Việt Nam vào các hoạt động chung của Ủy ban Codex quốc tế thời gian qua, Chủ tịch Ban kỹ thuật Codex quốc tế về Vệ sinh thực phẩm nhất trí giao cho Việt Nam và Hoa Kỳ đồng chủ trì tổ chức Hội nghị CCFH lần thứ 45 vào trung tuần tháng 11 tại Hà Nội. Thông qua hội nghị lần này, giúp cho các cơ quan, doanh nghiệp và người tiêu dùng thực phẩm nói chung hiểu hơn về vai trò, tầm quan trọng của Codex trong sự nghiệp bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và công bằng thương mại quốc tế về thực phẩm. Ðồng thời, đây là cơ hội giúp Việt Nam tham gia sâu rộng hơn vào hoạt động xây dựng tiêu chuẩn quốc tế về thực phẩm. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu sản phẩm thực phẩm. Nâng cao hơn nữa năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoạch định chính sách về ATTP; bảo vệ sức khỏe nhân dân, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.
Theo Nhandan
Ý kiến ()