Việt Nam có hơn 3,5 triệu người mắc đái tháo đường
Chiều 7-12, Bộ Y tế phối hợp với Bệnh viện đa khoa Medlatec tổ chức hội thảo "Phòng và điều trị bệnh lý đái tháo đường tuýp 2" trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y Dược Việt Nam lần thứ 24 (VIETNAM MEDI - PHARM EXPO 2017).
Trên thế giới có 415 triệu người mắc ĐTĐ, trong đó có 90% là ĐTĐ tuýp 2. Tại Việt Nam, hiện có khoảng 3,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ). Con số này được dự báo sẽ tăng lên thành 6,1 triệu vào năm 2040. Tuy nhiên, con số người bệnh chưa được chẩn đoán lên tới gần 70%. Bởi vậy, nhiều bệnh nhân được phát hiện bệnh ĐTĐ khi đã xuất hiện các biến chứng.
PGS.TS Nguyễn Nghiêm Luật, nguyên Trưởng khoa Hóa sinh, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, bệnh lý ĐTĐ được coi là đại dịch có nguy cơ gây ra gánh nặng bệnh tật gấp 20-40 lần so với những bệnh lây nhiễm khác. Số người trưởng thành tử vong toàn cầu liên quan tới ĐTĐ là khoảng 5 triệu người, trong khi con số tử vong do HIV/AIDS chỉ 1,1 triệu người; do lao là 1,4 triệu người và do sốt rét là 438 nghìn người.
Hiện, ĐTĐ tuýp 2 là bệnh mạn tính được cả xã hội quan tâm vì nó liên quan chặt chẽ tới chế độ ăn uống nhiều đạm, ít chất xơ, lười vận động… Theo PGS Luật, hơn 70% số người bị tiền ĐTĐ có thể tiến triển thành ĐTĐ tuýp 2 và có thể gây các biến chứng vi mạch như các bệnh võng mạc, thận, thần kinh và bệnh cơ tim. Nguy cơ tiến triển từ tiền ĐTĐ thành ĐTĐ tuýp 2 là 5-10%/năm, trong khi nguy cơ này ở người bình thường chỉ 0,7%/năm.
Ông Nguyễn Nghiêm Luật cho biết, để chẩn đoán đái tháo đường tuýp 2 cần dựa vào các tiêu chuẩn về dấu ấn sinh học gồm Glucose 2 giờ, Glucose lúc đói, HbA1c và các triệu chứng lâm sàng.
Trước tình trạng trẻ hóa bệnh nhân mắc ĐTĐ, BS Luật đưa ra lời khuyên mỗi ngày nên ăn đủ nửa kg rau quả, đi bộ đủ 30 phút, ngủ từ 6-8 giờ mỗi ngày và tìm cách giảm stress.
Để cải thiện tình hình chẩn đoán bệnh ĐTĐ nhằm phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời theo từng giai đoạn cho bệnh nhân, BS Luật cho rằng, cần có sự chuẩn hóa trong các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ĐTĐ. Người dân nên đi kiểm tra định kỳ để kiểm soát đường huyết tốt nhất, cũng như được bác sĩ tư vấn thuốc điều trị và chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Theo Nhandan
Ý kiến ()