Việt Nam chung tay cùng thế giới ứng phó các thách thức toàn cầu
Việt Nam cam kết tiếp tục đóng góp cho an ninh lương thực toàn cầu, duy trì thương mại mở, thúc đẩy nông nghiệp bền vững, thực hiện mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, ngày 20-21/10 tại Geneva, đã diễn ra Phiên thảo luận cấp cao với chủ đề “Đưa nền kinh tế trở lại đúng quỹ đạo và giải quyết các thách thức cấp bách toàn cầu,” trong khuôn khổ Khóa họp cấp cao lần thứ 72 Ủy ban Thương mại và Phát triển, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD).
Tham dự Phiên họp có Tổng Thư ký UNCTAD bà Rebeca Grynspan, Thủ tướng Barbados (nước Chủ tịch UNCTAD) bà Mia Mottley, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc bà Amina Mohammed và Phó Thủ tướng thứ nhất kiêm Bộ trưởng Tài chính Hà Lan bà Sigrid Kaag cùng đông đảo Đại sứ-Trưởng Phái đoàn và cán bộ ngoại giao các nước tại Geneva.
Về phía Việt Nam, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam tại Geneva và cán bộ của Phái đoàn đã tham dự Phiên họp và chia sẻ tầm nhìn của Việt Nam trong việc chung tay cùng thế giới ứng phó các thách thức toàn cầu.
Các nhà lãnh đạo và đại diện các nước tham dự Phiên họp nhấn mạnh, thế giới đang phải đối mặt với môi trường vô cùng phức tạp và đầy thách thức, trong đó các nước đang phát triển gặp phải những thách thức lớn hơn, không gian tài chính bị thu hẹp, giá lương thực và năng lượng tăng cao và tình trạng nợ nần chồng chất. Đồng thời, những căng thẳng địa chính trị quốc tế gần đây đã gây sức ép lên hệ thống đa phương vốn đã có nhiều rạn nứt.
Các diễn giả đã chia sẻ sự lạc quan về hệ thống đa phương. Tổng Thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan cho rằng bất chấp những thách thức mà chủ nghĩa đa phương đang phải đối mặt, vẫn có lý do để lạc quan, thể hiện qua hoạt động của Nhóm ứng phó với khủng hoảng toàn cầu do Tổng Thư ký Liên hợp quốc lập ra.
Các diễn giả nhấn mạnh, việc giải quyết hàng loạt cuộc khủng hoảng hiện nay mà thế giới đang đối mặt và đưa nền kinh tế toàn cầu đi đúng hướng đòi hỏi phải có ý chí và hành động lớn hơn.
Các giải pháp và khuyến nghị được đưa ra tại Phiên họp chú trọng vào: Mở rộng không gian tài chính của các nước đang phát triển; Cải cách hệ thống tài chính toàn cầu; Hồi sinh hệ thống đa phương.
Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Amina Mohammed kêu gọi tăng thanh khoản cho các nước đang phát triển nhằm giúp các nước này đối phó với tình trạng lạm phát, nợ công và biến đổi khí hậu, như đề xuất phân bổ mới cũng như tái cấu trúc các quyền rút vốn đặc biệt (SDR), trong khuôn khổ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thiết lập cơ chế đình chỉ dịch vụ cho vay mới với sự tham gia của các nước có thu nhập trung bình cũng như đầu tư nhiều hơn để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Bên cạnh đó, cần có thêm nguồn tài chính để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và Hội nghị COP27 sắp tới cần tập trung vào vấn đề tăng nguồn tài chính nhằm giúp các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Barbados cho rằng, các thiết chế tài chính toàn cầu cần được cải tổ để giải phóng hàng nghìn tỷ USD cho các nước đang phát triển cần thanh khoản nhiều hơn.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng thứ nhất kiêm Bộ trưởng Tài chính Hà Lan, bà Sigrid Kaag, nhấn mạnh hệ thống đa phương cần được củng cố và hỗ trợ cho việc giải quyết những thách thức toàn cầu đang gia tăng.
Đa phần ý kiến phát biểu của các nước cũng cho rằng việc tăng cường tình đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy hợp tác Bắc-Nam, hợp tác Nam-Nam và hợp tác ba bên là chìa khóa để xây dựng tính tự cường của các nước và củng cố hệ thống đa phương nhằm ứng phó trước những thách thức đan xen hiện nay.
Đại diện Việt Nam phát biểu tại Phiên họp, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai chia sẻ, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ vai trò trung tâm của Liên hợp quốc, bao gồm UNCTAD, trong quản trị toàn cầu nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu chung; đánh giá cao và ủng hộ việc thực hiện các tầm nhìn và lộ trình được nêu trong Thỏa ước Bridgetown, được các thành viên UNCTAD thông qua tại Hội nghị UNCTAD-15 tháng 10/2021, nhằm giúp các quốc gia vượt qua bất bình đẳng và tình trạng dễ bị tổn thương, hướng tới phục hồi toàn diện và bền vững sau đại dịch COVID-19, đồng thời chuyển đổi mô hình phát triển quốc gia và hợp tác quốc tế để mang lại thịnh vượng cho tất cả mọi người.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai cũng nhấn mạnh cần có những giải pháp và hành động phối hợp ở cả cấp độ quốc tế, khu vực và quốc gia để giải quyết các thách thức đan xen, tạo điều kiện cho tăng trưởng bao trùm và bền vững, trong đó người dân cần phải được đặt vào trung tâm của mọi chính sách và chiến lược phát triển.
Đại sứ nhấn mạnh, cần có sự hỗ trợ của các đối tác phát triển để có các giải pháp và hành động sáng tạo nhằm đảm bảo nguồn lực, tài chính, từ mọi nguồn để tăng cường hỗ trợ các nước thu nhập thấp, đặc biệt là các nước kém phát triển, trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu nhằm thúc đẩy thương mại và phát triển bền vững mang tính bao trùm.
Bên cạnh đó, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai cũng chia sẻ thành công của Việt Nam trong kiểm soát đại dịch COVID-19 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, nhờ đó Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) khá trong giai đoạn 2020-2022 với tình hình kinh tế-xã hội ổn định, sự cân đối kinh tế vĩ mô được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát.
Việt Nam cũng đang thực hiện chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng kinh tế số, đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và phúc lợi xã hội cho người dân.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai nhấn mạnh, Việt Nam tiếp tục đóng góp cho an ninh lương thực toàn cầu, duy trì thương mại mở trên cơ sở hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) làm trung tâm, đồng thời thúc đẩy nông nghiệp bền vững.
Là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, Việt Nam tiếp tục tham gia các sáng kiến và cam kết thích ứng với biến đổi khí hậu như mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 và mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan Liên hợp quốc và các đối tác khác trong việc thúc đẩy tài chính xanh và xây dựng Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP)./.
Ý kiến ()