Việt Nam chưa có quy định riêng về thủ tục nhập cảnh đối với người tiêm vắc xin ngừa Covid-19
Chiều 8-4, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, trả lời các câu hỏi của phóng viên về thủ tục nhập cảnh đối với người đã được tiêm vắc xin ngừa Covid-19, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: Hiện nay, Việt Nam chưa có quy định riêng về thủ tục nhập cảnh đối với người đã được tiêm vắc xin ngừa Covid-19.
Trong bối cảnh “hộ chiếu vắc xin” đã bắt đầu được một số nước trên thế giới áp dụng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang phối hợp, nghiên cứu, đánh giá và đề xuất biện pháp xử lý phù hợp đối với vấn đề này. Bộ Ngoại giao đang phối hợp cùng các cơ quan chức năng tìm hiểu, tổng hợp kinh nghiệm thực tiễn của các nước nhằm nghiên cứu, đề xuất chính sách xuất nhập cảnh phù hợp, hướng tới mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Liên quan đến vấn đề “hộ chiếu vắc xin”, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 vào sáng 19-3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, từ góc độ tiếp cận của ngành Y tế, “hộ chiếu vắc xin” thực chất là giấy chứng nhận đã tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vắc xin ngừa Covid-19, được điều chỉnh theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Điều lệ kiểm dịch y tế quốc tế, cho phép người có “hộ chiếu vắc xin” không phải cách ly, xét nghiệm Covid-19 (một số nước vẫn yêu cầu xét nghiệm Covid-19).
Việt Nam đang làm việc với các nước trên thế giới về việc chấp nhận “hộ chiếu vắc xin” thông qua mã QR-code. Cách thức này dựa vào hai dữ liệu cơ bản: Số thẻ bảo hiểm y tế hoặc chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân. Khi đến, người dân cung cấp thông tin cá nhân để được kiểm tra trên hệ thống xác nhận. Sau khi tiêm đủ 2 mũi, hệ thống thông tin sẽ được cập nhật lên mã QR-code, xác thực cho người dân.
Khi đi ra nước ngoài, người dân được quét mã QR-code, truy cập vào đúng nguồn dữ liệu, xác thực thông tin các mũi tiêm của người dân.
Ý kiến ()