Việt Nam chủ động và tích cực hợp tác với EC chống khai thác IUU
Trong gần 7 năm vừa qua, Việt Nam đã luôn chủ động, tích cực hợp tác với EC trong triển khai quyết liệt các khuyến cáo của EU, công tác phòng chống của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Brussels vừa có cuộc phỏng vấn ông Trần Văn Công, Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và Liên minh châu Âu (EU), về việc hợp tác giữa Việt Nam và EU trong lĩnh vực nuôi trồng, khai thác và xuất-nhập khẩu thủy hải sản cũng như các nỗ lực đàm phán, trao đổi để sớm gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC) đối với hải sản Việt Nam.
Đánh giá về việc hợp tác giữa Việt Nam và EU trong lĩnh vực nuôi trồng, khai thác và xuất-nhập khẩu thủy hải sản, Tham tán Trần Văn Công cho biết EU là thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất thế giới với kim ngạch nhập khẩu hằng năm khoảng 55-60 tỷ USD. Trong đó, nhập khẩu từ các nước nội khối chiếm 36%; 64% còn lại là nhập khẩu từ các nước ngoại khối EU.
Trong những năm qua, EU luôn là thị trường nhập khẩu quan trọng nông sản nói chung, thủy sản nói riêng của Việt Nam. Việt Nam là nguồn cung cấp thủy sản lớn thứ 5 cho thị trường EU. Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU dao động từ 1-1,5 tỷ USD, chiếm khoảng 2-2,5% kim ngạch nhập khẩu thủy sản của EU. Việc thâm nhập và mở rộng thị phần, đa dạng kênh phân phối thủy sản thị trường EU khẳng định rằng Việt Nam có thể chinh phục bất kỳ thị trường nào trên thế giới.
Tôm và cá tra là 2 sản phẩm chiếm tỷ trọng chi phối (65-67%), hải sản chiếm khoảng 33-35% kim ngạch xuất khẩu sang EU. Gần đây, mặt hàng cá ngừ xuất khẩu sang EU cũng có những tín hiệu đáng mừng, thị phần tại thị trường EU ngày càng mở rộng.
Những năm gần đây, xuất khẩu tôm liên tục mở rộng thị phần. Việt Nam là nhà sản xuất tôm sú lớn nhất thế giới vào EU. Các nhà xuất khẩu của Việt Nam ở thị trường EU có lợi thế ở thị trường này so với các đối thủ cạnh tranh. Về tôm thẻ chân trắng, Việt Nam cũng là một trong ba nhà cung cấp lớn nhất tại EU.
Bên cạnh đó, Việt Nam hiện chi phối nhập khẩu cá tra vào EU khi không có đối thủ cạnh tranh đáng kể trên thị trường này. Hầu hết các sản phẩm cá tra xuất khẩu sang EU đều có xuất xứ từ Việt Nam. Thời gian trước 2016, EU luôn là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 mặt hàng cá tra của Việt Nam.
Các nhà máy chế biến thủy sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang EU ngày càng gia tăng. Hiện có gần 600 nhà máy được cấp mã số xuất khẩu sang EU. Khác với các nhóm hàng nông sản khác, thủy sản Việt Nam được nhập khẩu vào châu Âu qua hệ thống các cảng lớn ở các nước, kênh phân phối đa dạng thông qua hệ thống phân phối, chợ đầu mối lớn, chợ đầu mối thủy sản, thâm nhập, hiện diện vào tất cả các kênh, các siêu thị tại châu Âu thông qua các thương hiệu khác nhau của cả nước ngoài và thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam…
Về hợp tác phát triển và đầu tư trong lĩnh vực thủy sản, Việt Nam và các nước thành viên EU cũng triển khai nhiều chương trình hợp tác về nuôi, công nghệ giống, thức ăn, vaccine trong thủy sản, xử lý môi trường nuôi, công nghệ nuôi biển, bảo tồn và phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải phù hợp với cam kết giảm phát thải.
EU không chỉ là thị trường nhập khẩu sản phẩm thủy sản lớn mà còn là khu vực có nhiều nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực phát triển các nhà máy thức ăn, công nghệ chế biến, cung cấp nguyên phụ liệu, các loại thành phần vi lượng trong sản xuất thức ăn thủy sản cho Việt Nam…
Về những nỗ lực trong việc đàm phán để EC sớm gỡ cảnh báo "thẻ vàng" khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) đối với hải sản Việt Nam, Tham tán Trần Văn Công cho biết trong gần 7 năm vừa qua, Việt Nam đã luôn chủ động, tích cực hợp tác với EC trong việc triển khai quyết liệt các khuyến cáo của EU, công tác phòng chống của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện và đúng định hướng phát triển bền vững, xây dựng nghề cá có trách nhiệm.
Cụ thể, Việt Nam đã tập trung, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các khuyến nghị của EC để khắc phục các tồn tại, hạn chế trong chống khai thác IUU đặc biệt từ sau đợt thanh tra lần thứ 5 (vào tháng 10/2023) cho đến nay. Việc thực hiện các khuyến nghị của EC về chống IUU đã đạt được kết quả rất tích cực, toàn diện và đúng hướng.
Việt Nam đã tập trung triển khai thực hiện 5 nhóm vấn đề. Một là Việt Nam luôn chủ động, tích cực hợp tác với EC trong việc hoàn thiện khung pháp lý phù hợp với chuẩn mực quốc tế về quản lý nghề cá bền vững và chống khai thác IUU, bao gồm Luật Thủy sản mới, 2 Nghị định và 8 Thông tư.
Hai là Việt Nam đã có cải thiện rõ rệt trong công tác kiểm soát tàu cá tại cảng, quản lý sản lượng qua cảng thông qua việc đưa vào triển khai giải pháp mang tính toàn diện, căn cốt để kiểm soát toàn bộ hệ thống một cách minh bạch. Hợp tác với cơ quan thẩm quyền các nước láng giềng để xử lý vụ việc vi phạm. Triển khai các biện pháp đảm bảo việc đánh dấu đúng tất cả các tàu cá kiểm soát đối với các tàu không có giấy phép, không đăng ký ra vào cảng.
Ba là công tác quản lý tàu cá đã chuyển biến một cách rõ rệt. Từ hiện trạng không nắm chính xác được số liệu tàu cá, số liệu đăng ký, cấp phép,..., đến nay đã xây dựng được và vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về tàu cá (đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản) kết nối từ trung ương đến địa phương, tài khoản sơ sở dữ liệu cũng được cung cấp cho các lực lượng thực thi pháp luật. Cấp giấy phép khai thác thủy sản còn hạn đối với khối tàu từ 15 mét trở lên đạt 96,4%; đánh dấu tàu cá đạt 96%, trong đó tàu cá được đăng ký, đăng kiểm, cấp phép đảm bảo thực hiện đánh dấu tàu cá theo quy định.
Bên cạnh đó, thực hiện quy định xóa đăng ký đối với các tàu không đủ điều kiện; lập danh sách các tàu đã bị xóa đăng ký, chưa được cấp giấy phép, chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS). Ngoài ra, tiếp tục triển khai chủ trương không cho phép đăng ký mới tàu cá và cắt giảm số lượng tàu thuyền.
Bốn là Việt Nam đã xây dựng và triển khai truy xuất thủy sản khai thác điện tử (eCDT), trong khi việc áp dụng này tại các nước EU mới đang ở giai đoạn thử nghiệm. Năm là tăng cường công tác thực thi pháp luật, tập trung điều tra, xử lý các hành vi vi phạm khai thác IUU một cách nghiêm khắc, tăng tính răn đe.
Các lực lượng thực thi pháp luật thực hiện cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm khai thác IUU; điều tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định về ngắt kết nối VMS, vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Tăng cường các biện pháp phạt hành chính, đồng thời đưa ra xét xử các vụ án liên quan đến môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài để tăng tính răn đe.
Tham tán Trần Văn Công cũng nêu các nhiệm vụ trọng tâm EU đề nghị Việt Nam cần thực hiện. Một là khắc phục triệt để, tiếp tục thực hiện các biện pháp mạnh không để tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Hai là cần tập trung rà soát, xử lý dứt điểm các trường hợp tàu cá mất kết nối VMS ngay khi Nghị định số 38/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành.
Thứ ba là cần khắc phục các lỗi kỹ thuật để đưa vào bắt buộc sử dụng Hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử thay thế hệ thống giấy hiện tại để theo dõi, kiểm soát tính minh bạch, hợp pháp theo quy định công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác trong nước.
Bốn là giám sát chặt chẽ đội tàu để đảm bảo chỉ các tàu đủ điều kiện mới được tham gia hoạt động, xác minh và cập nhật đầy đủ thông tin các tàu cá đã bị xóa đăng ký từ tháng 1/2023 đến nay.
Thứ năm cần nghiêm túc thực hiện các quy định về kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản khai thác, xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác; kiên quyết xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân cố tình hợp thức hóa hồ sơ; trước mắt tập trung kiểm soát đối với đội tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên.
Sáu là xử lý dứt điểm các tổ chức/cá nhân có vi phạm trong gian lận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản nhập khẩu.
Bảy là cần chuẩn bị thật tốt tất cả các khâu đáp ứng các yêu cầu, khuyến cáo của EC trước khi Đoàn thanh tra sang làm việc lần thứ 5 dự kiến trong tháng 9-10/2024./.
Ý kiến ()