Việt Nam chia sẻ tầm quan trọng của thúc đẩy văn hóa hòa bình tại LHQ
Đại sứ Đặng Hoàng Giang cho rằng cộng đồng quốc tế cần tập trung và ủng hộ các nỗ lực xây dựng và duy trì hòa bình, đồng thời tôn trọng trách nhiệm, tính độc lập và tính làm chủ của các quốc gia.
Ngày 6/9, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã tổ chức Diễn đàn cấp cao về chủ đề “Văn hóa Hòa bình: tầm quan trọng của công lý, bình đẳng và sự bao trùm đối với thúc đẩy xây dựng hòa bình.”
Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Abdullah Shahid cho rằng đại dịch COVID-19, xung đột kéo dài tại nhiều khu vực trên thế giới đã làm trầm trọng thêm tình trạng phân biệt đối xử và không khoan dung, khiến tình trạng bất ổn và nghèo đói diễn biến phức tạp hơn.
Trong bối cảnh đó, ông Abdullah và các diễn giả nhấn mạnh tầm quan trọng của các nỗ lực thúc đẩy xây dựng và duy trì hòa bình bền vững, giải quyết nguyên nhân gốc rễ của xung đột cũng như thúc đẩy xây dựng các xã hội hài hòa và bao trùm, trong đó không ai bị bỏ lại phía sau.
Nhiều phát biểu cũng ghi nhận vai trò và đóng góp của Ủy ban xây dựng hòa bình Liên hợp quốc, kêu gọi tăng cường bảo đảm nguồn lực cho các nỗ lực xây dựng và duy trì hòa bình.
Phát biểu tại diễn đàn, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, chia sẻ tầm quan trọng của việc thúc đẩy văn hóa hòa bình và phi bạo lực trên thế giới.
Đại sứ nhấn mạnh là một nước trải qua chiến tranh để bảo vệ độc lập, chủ quyền, Việt Nam đặc biệt trân trọng giá trị của hòa bình, ổn định. Trong bối cảnh đó, các thế hệ người Việt Nam đã nỗ lực xây dựng nền tảng cho hòa bình, thông qua việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị, sự hòa hợp và hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia.
Việt Nam cũng luôn thúc đẩy giải quyết các xung đột và tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, tuân thủ và thực hiện luật pháp quốc tế.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang cho rằng cộng đồng quốc tế cần tập trung và ủng hộ các nỗ lực xây dựng và duy trì hòa bình, đồng thời tôn trọng trách nhiệm, tính độc lập và tính làm chủ của các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Ngày 13/9/1999, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết 53/243 do Bangladesh chủ trì soạn thảo về Tuyên bố và Chương trình hành động về Văn hóa hòa bình, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của thúc đẩy văn hóa hòa bình, phi bạo lực và quyết định năm 2000 là “Năm quốc tế về Văn hóa hòa bình.”
Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng thiết lập đề mục về Văn hóa hòa bình và thảo luận thường niên về các chủ đề khác nhau liên quan đến xây dựng và duy trì hòa bình./.
Ý kiến ()