Việt Nam chia sẻ nhiều biện pháp, định hướng lớn với Hội đồng Bảo an
Việt Nam đã tích cực tham gia xử lý các vấn đề tại Hội đồng Bảo an trên tinh thần độc lập, tự chủ, tích cực, trách nhiệm và cân bằng, thể hiện rõ bản lĩnh và bản sắc đối ngoại, kiên trì lập trường.
Ngày 28/12, Tổ công tác Liên ngành về việc Việt Nam đảm nhận cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, Tổ trưởng Tổ Công tác, nhằm tổng kết công tác tham gia Hội đồng Bảo an của Việt Nam trong năm 2020 và thảo luận về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các cơ quan thuộc Tổ Công tác liên ngành (Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng), đại diện một số bộ, ngành hữu quan làm công tác tham mưu, tuyên truyền về đối ngoại (Ban Nội chính Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội) cùng đại diện các đơn vị liên quan của Bộ Ngoại giao.
Tại cuộc họp, sau khi nghe báo cáo của Bộ Ngoại giao và qua thảo luận, các đại biểu đã thống nhất nhận định về việc tình hình chính trị-an ninh, kinh tế-xã hội quốc tế trong năm 2020 diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường do tác động tiêu cực, đa chiều của đại dịch COVID-19; xu thế cạnh tranh chiến lược nước lớn, căng thẳng gia tăng tại nhiều điểm nóng ở khu vực Trung Đông-Bắc Phi, Đông Phi, Mỹ Latinh…, cùng nhiều thách thức an ninh phi truyền thống đan xen đã tạo ra nhiều khó khăn, trở ngại với hoạt động của các thể chế đa phương, trong đó có Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Trong bối cảnh đó, Hội đồng Bảo an đã xử lý khối lượng công việc lớn, đa dạng với gần 400 cuộc họp cấp Đại sứ, Trưởng phái đoàn và hàng trăm cuộc họp cấp làm việc, thông qua hơn 100 văn kiện về 68 đề mục khác nhau trong chương trình nghị sự.
Trên cơ sở đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã chủ động tham gia đóng góp và hoàn thành tốt nhiệm vụ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phục vụ phát triển, bảo vệ lợi ích quốc gia và nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.
Công tác Hội đồng Bảo an của Việt Nam trong năm 2020 đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là việc Việt Nam đảm nhiệm thành công cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 1/2020 và tổ chức tốt hai sự kiện điểm nhấn là Phiên thảo luận mở về “Thúc đẩy tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế” với sự tham gia của 111 diễn giả từ 106 quốc gia, thông qua Tuyên bố Chủ tịch lần đầu tiên trong lịch sử Hội đồng Bảo an về chủ đề tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và Phiên họp lần đầu tiên của Hội đồng Bảo an về chủ đề “Hợp tác giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực: Vai trò của ASEAN.”
Ngày 21/1/2020, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 1/2020, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, chủ trì phiên thảo luận mở của HĐBA LHQ về tình hình Palestine-Israel.
Các sự kiện này đã đáp ứng sự quan tâm cao của cộng đồng quốc tế về tăng cường vai trò của Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và đề cao ý nghĩa, hiệu quả của hợp tác đa phương trong bối cảnh thế giới đứng trước nhiều thách thức chung phải giải quyết.
Nhiều biện pháp, định hướng lớn nhằm tiếp tục nâng cao vị thế, vai trò và đóng góp của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong thời gian tới.
Theo tinh thần Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, Việt Nam đã thể hiện và phát huy vai trò dẫn dắt, đề xuất sáng kiến khi lần lượt chủ trì tổ chức cuộc họp 10 nước Ủy viên không thường trực đương nhiệm và 5 nước mới trúng cử Ủy viên không thường trực với chủ đề “Nỗ lực chung vì Hội đồng Bảo an hiệu quả: Kinh nghiệm và bài học cho các nước Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an” và Hội nghị quốc tế với chủ đề “Tăng cường vai trò của phụ nữ trong xây dựng và củng cố hòa bình: Từ cam kết đến kết quả” – sự kiện có quy mô toàn cầu và nổi bật của năm 2020, góp phần thúc đẩy Chương trình nghị sự Phụ nữ, Hòa bình và An ninh, được cộng đồng quốc tế rất quan tâm.
Đồng thời, Việt Nam đã tích cực tham gia xử lý các vấn đề tại Hội đồng Bảo an trên tinh thần độc lập, tự chủ, tích cực, trách nhiệm và cân bằng, thể hiện rõ bản lĩnh và bản sắc đối ngoại, kiên trì lập trường nguyên tắc, ủng hộ việc tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.
Trong đó có nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; ủng hộ thương lượng, đối thoại để thu hẹp bất đồng, tìm kiếm giải pháp chấm dứt các tranh chấp, xung đột; đồng thời đề cao nỗ lực, kinh nghiệm của Việt Nam trong quá trình tái thiết và phát triển đất nước, hội nhập quốc tế.
Lãnh đạo Liên hợp quốc, các nước và dư luận quốc tế hoan nghênh và đánh giá cao vị thế, vai trò và những đóng góp tích cực của Việt Nam.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Lê Hoài Trung khẳng định, Việt Nam đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu và phương châm đề ra, đóng góp chủ động, tích cực vào hoạt động của Hội đồng Bảo an, qua đó góp phần tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi cho sự phát triển và hội nhập của đất nước, thúc đẩy quan hệ song phương tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước.
Thứ trưởng nhận định, việc tham gia chủ động và đóng góp tích cực của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an được dư luận báo chí, truyền thông và học giả quốc tế đánh giá tích cực; khơi dậy niềm tự hào, củng cố sự tin tưởng của quần chúng nhân dân, cán bộ, đảng viên vào đường lối, chủ trương và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, từ đó đề ra nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội quan trọng của đất nước trong thời gian tới.
Thứ trưởng cũng nêu nhiều biện pháp, định hướng lớn nhằm tiếp tục nâng cao vị thế, vai trò và đóng góp của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong thời gian tới; bày tỏ mong muốn các bộ, ngành hữu quan tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin trong công tác nghiên cứu, dự báo tình hình và tham mưu chính sách liên quan, hướng tới tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ Ủy viên không thường trực trong năm 2021, đặc biệt trong dịp Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an lần thứ 2 (tháng 4/2021)./.
Ý kiến ()