Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm của ASEAN về chống khủng bố tại LHQ
Đại sứ Đặng Đình Quý khẳng định cần đẩy mạnh hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường năng lực cho các nước trong công tác phát hiện, điều tra, truy tố tội phạm khủng bố và các tội phạm nghiêm trọng khác.
Đại sứ Đặng Đình Quý , Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc. (Nguồn: TTXVN)
Tại Lễ bế mạc Tuần lễ Phòng chống khủng bố của Liên hợp quốc diễn ra ở thành phố New York (Mỹ) ngày 10/7 dưới dự chủ trì của Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Vladimir Voronkov và sự tham gia của Trưởng đoàn các nước thành viên, Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ( ASEAN ) trong công tác phòng chống khủng bố và bạo lực cực đoan thông qua việc thực hiện các công ước và kế hoạch hành động chung.
Đối thoại trực tuyến về chủ đề “Các ưu tiên phòng chống khủng bố của quốc gia trong môi trường hậu COVID-19,” Việt Nam đã chia sẻ các sáng kiến và hoạt động cụ thể của ASEAN trong lĩnh vực này thông qua việc thực hiện Công ước ASEAN về Phòng chống khủng bố; Kế hoạch hành động ASEAN về Phòng chống gia tăng cực đoan hóa và chủ nghĩa bạo lực cực đoan giai đoạn 2018-2025.
Đại diện các khu vực và tổ chức quốc tế như Mỹ, Trung Quốc, Ai Cập, Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức các quốc gia châu Mỹ, Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) đều nhấn mạnh khủng bố quốc tế đe dọa tất cả các quốc gia, do đó các nước cần đề cao cảnh giác ngay trong thời gian diễn ra đại dịch, đồng thời phòng ngừa nguy cơ từ các hình thái khủng bố mới nổi như tấn công mạng; khủng bố bằng vũ khí sinh học; hay sử dụng công nghệ kỹ thuật số, Internet vào mục đích khủng bố.
Các bên nêu rõ cần giải quyết dứt điểm các tác động kinh tế-xã hội của đại dịch COVID-19 để không tạo điều kiện cho chủ nghĩa khủng bố phát triển, cũng như cần phải đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác quốc tế và ủng hộ vai trò điều phối của Liên hợp quốc trong phòng chống khủng bố và bạo lực cực đoan.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, khẳng định cần đẩy mạnh hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường năng lực cho các nước trong công tác phát hiện, điều tra, truy tố tội phạm khủng bố và các tội phạm nghiêm trọng khác; theo dõi, phát hiện di chuyển của khủng bố; tăng cường quản lý biên giới và phòng chống tài trợ cho khủng bố.
Cũng theo Đại sứ, các biện pháp phòng chống khủng bố của các quốc gia, các tổ chức quốc tế phải phù hợp với nguyên tắc và mục tiêu của Hiến chương Liên hợp quốc, cũng như các nghĩa vụ pháp lý quốc tế.
Đại sứ Đặng Đình Quý nói rõ chìa khóa thành công trong công tác phòng chống khủng bố là ngăn ngừa và giải quyết các nguyên nhân gốc rễ, bao gồm đói nghèo, phân biệt đối xử, cùng cực hóa, bất công và bất bình đẳng xã hội. Ông cũng nhấn mạnh các quốc gia và hệ thống Liên hợp quốc cần tích cực hỗ trợ cho các tổ chức khu vực, tiểu khu vực trong thúc đẩy đối thoại, hợp tác quốc tế về phòng chống khủng bố.
Tuần lễ Phòng chống khủng bố của Liên hợp quốc được thực hiện theo sáng kiến của Văn phòng Chống khủng bố của Liên hợp quốc (UNOCT). Trong khuôn khổ Tuần lễ diễn ra từ ngày 6-10/7 đã có hơn 10 phiên đối thoại và hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tuyến với sự tham gia của hơn 1.000 đại diện các chính phủ, tổ chức quốc tế, học giả, tổ chức phi chính phủ và các cơ quan báo chí.
Các nội dung được thảo luận chủ yếu tập trung vào vai trò của Liên hợp quốc và chủ nghĩa đa phương, mối liên hệ giữa COVID-19 và chương trình nghị sự phòng chống khủng bố, các hình thái mới của chủ nghĩa khủng bố, các nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố, vấn đề chiến binh khủng bố nước ngoài, nhân quyền trong chống khủng bố, vai trò của tổ chức phi chính phủ và góc nhìn của các cơ quan báo chí trong công tác phòng chống khủng bố.
Dự kiến, các kết quả thảo luận trong Tuần lễ sẽ được lồng ghép vào quá trình rà soát, kiểm điểm thực hiện Chiến lược toàn cầu phòng chống khủng bố của Liên hợp quốc diễn ra năm 2021./.
Ý kiến ()