Việt Nam-cánh cửa tiếp cận thị trường ASEAN của doanh nghiệp Italy
Đây là thông điệp chính của các hội thảo xúc tiến hợp tác kinh tế, thương mại song phương, diễn ra mới đây tại thành phố Parma và Piacenza, vùng Emilia-Romagna, miền Bắc Italy, do Đại sứ quán Việt Nam tại Italy phối hợp với Phòng Thương mại Italy-Việt Nam, Lãnh sự Danh dự Việt Nam tại Torino tổ chức.
Với chủ đề “ASEAN-Một cơ hội mới/Con đường Việt Nam”, trong 2 ngày liên tiếp, các buổi hội thảo đã thu hút sự tham gia của đại diện Liên đoàn công nghiệp thành phố Parma, Liên đoàn giới chủ thành phố Piacenza, đại diện của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương hoạt động trong các lĩnh vực chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, kho vận…
Tại các buổi hội thảo, theo TTXVN, Đại sứ Việt Nam tại Italy Nguyễn Thị Bích Huệ đã giới thiệu về những tiềm năng, ưu thế cạnh tranh của thị trường Việt Nam trong bối cảnh thương mại thế giới có nhiều biến động; đặc biệt, gắn với bối cảnh khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Các đại biểu đều chú trọng đến quy mô gần 100 triệu dân của thị trường Việt Nam với nhu cầu tiêu dùng tăng liên tục; tỷ lệ tăng trưởng 6%; đánh giá cao nguồn nhân công có chất lượng, giá thành cạnh tranh. Một khi EVFTA có hiệu lực, theo lộ trình sẽ giúp gỡ bỏ 99% dòng thuế, từ đó mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Italy nếu đón bắt sớm được thời cơ. Các đại biểu đều nhất trí rằng EVFTA được định dạng như “một kiểu hiệp định thế hệ mới” giúp mang lại lợi ích cho cả hai bên; có tác động tích cực đến đầu tư, thương mại về lâu dài; cũng như quan hệ song phương.
Bên cạnh đó, Việt Nam hoàn toàn có thể đóng vai trò như cầu nối để hàng hóa Italy nói riêng, của châu Âu nói chung đi vào thị trường ASEAN đang còn rất triển vọng với khoảng 550 triệu người tiêu dùng, giúp nhân rộng lợi ích của các doanh nghiệp. Báo chí địa phương đánh giá rằng “Việt Nam chính là đối tác chiến lược của hệ thống các doanh nghiệp vừa và nhỏ”.
Trong khuôn khổ hội thảo, nhiều câu hỏi, vướng mắc mà các doanh nghiệp Italy đưa ra đã được đại diện Cơ quan Thương vụ Việt Nam trao đổi, giải đáp cặn kẽ. Đại sứ Nguyễn Thị Bích Huệ cũng cam kết rằng cùng với triển vọng của EVFTA, Chính phủ Việt Nam sẽ luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Italy đầu tư, làm ăn tại Việt Nam.
Cũng trong 2 ngày hoạt động tại Parma và Piacenza, đoàn công tác Đại sứ quán Việt Nam đã có buổi làm việc với lãnh đạo, chính quyền địa phương, thăm một số doanh nghiệp đang có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam như Davines, Cosmoproject, Piacentina. Hiện nay, mối quan hệ hợp tác giữa tỉnh Bình Dương và vùng Emilia-Romagna đang được coi là hình mẫu của quan hệ hợp tác liên vùng giữa Việt Nam và Italy. Vùng Emilia-Romagna, với sự đóng góp của Parma và Piacenza, là địa phương chiếm tới hơn 50% giá trị xuất khẩu của Italy sang Việt Nam./.
Ý kiến ()