Việt Nam cần khai thác cơ hội để thúc đẩy khu vực doanh nghiệp sáng tạo
Sáng 1-12, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên cuối kỳ năm 2015 chính thức khai mạc tại Hà Nội với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để hội nhập”. Diễn đàn lần này tập trung vào việc phân tích môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp (DN).
Phát biểu tại diễn đàn, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, thông qua diễn đàn, các kiến nghị thiết thực, thẳng thắn và mang tính xây dựng của các nhóm công tác của VBF đã đóng góp tích cực với Chính phủ Việt Nam trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế cũng như đưa ra những giải pháp để triển khai một cách có hiệu quả các mục tiêu đề ra.
Việt Nam đang hoàn tất đi đến ký kết các FTA thế hệ mới như TPP, FTA Á – Âu, FTA Việt Nam – EU, AEC… Đây vừa là cơ hội cho Việt Nam, cho các DN và các nhà đầu tư ở Việt Nam, tuy nhiên cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức và sự cạnh tranh gay gắt hơn. Chính phủ Việt Nam mong muốn các chủ động tái cơ cấu, thay đổi phương thức quản trị, nâng cao hiệu quả năng lực cạnh tranh để đứng vững tại thị trường Việt Nam và vươn ra các thị trường quốc tế. Chính phủ cam kết sẽ kề vai sát cánh với các DN, lắng nghe ý kiến, đối thoại của DN để cùng tháo gỡ những kiến nghị chính đáng, hợp lý mà DN đưa ra cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của các DN.
Cải cách thể chế chưa đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Ban tổ chức VBF, đồng thời khẳng định sức hấp dẫn của VBF đang thu hút ngày càng nhiều hơn sự quan tâm của các cơ quan Chính phủ, các tổ chức quốc tế, cộng đồng DN trong và ngoài nước… Diễn đàn lần này diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi Việt Nam đang hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2011-2015. Đây cũng là giai đoạn Việt Nam tiến hành cải cách mạnh mẽ, tái cấu trúc nền kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh.
Sau mỗi kỳ họp của VBF lại có thêm nhiều thành viên mới tham gia đã chứng tỏ cơ chế tham vấn, đối thoại giữa Chính phủ và cộng đồng DN đang ngày càng được coi trọng, hướng tới mục tiêu cải thiện các điều kiện kinh doanh cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của khối DN tư nhân, thuận lợi hóa môi trường đầu tư và đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam. 10 nhóm vấn đề có liên quan tới thương mại, đầu tư, ngân hàng, thị trường vốn, nông nghiệp, giáo dục đào tạo nguồn nhân lực, ô-tô, xe máy, khoáng sản, cơ sở hạ tầng và quản trị minh bạch… đều là những vấn đề rất then chốt mà Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đồng thời, cũng là mối quan tâm thường xuyên của các DN và hiệp hội DN.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, nền kinh tế Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, cho dù đã có nhiều cố gắng nhưng công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí trên nhiều lĩnh vực và sự chuẩn bị của các DN để hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới còn nhiều bất cập. Môi trường kinh doanh dù đã được cải thiện về thể chế, về thủ tục hành chính, nhưng khâu thực thi vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém. Điều đó cho thấy, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhìn chung nỗ lực cải cách thể chế của Chính phủ và các cấp ngành đã đạt những kết quả tích cực song chưa đáp ứng được kỳ vọng của DN. Khảo sát gần đây của VCCI cho thấy, về cải cách thủ tục hành chính thuế và hải quan, tín hiệu đáng lo ngại là DN tư nhân càng lớn thì chi phí tuân thủ thủ tục hành chính càng cao; DN quy mô càng lớn và kinh doanh càng thành công thì bị thanh tra, kiểm tra càng nhiều. Đây là một lực cản đáng kể làm cho các DN không lớn lên được và quy mô bình quân của DN Việt Nam đang nhỏ dần đi theo các số liệu thống kê công bố gần đây. Đó là điều cần phải được quan tâm xem xét và có biện pháp khắc phục.
Cần giảm thiểu gánh nặng về hành chính
Trong bài phát biểu của mình, bà Virginia B.Foote, Đồng Chủ tịch VBF cho rằng, từ Diễn đàn giữa kỳ được tổ chức vào tháng 6-2015, đã có nhiều tiến bộ đáng kể trong các vấn đề quan trọng đối với DN ở Việt Nam; đặc biệt là kết quả đàm phán của Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào tháng 10 vừa qua.
Tuy nhiên, để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và bình đẳng cho các DN, theo bà Virginia B.Foote, Việt Nam cần thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và giảm thiểu gánh nặng hành chính thông qua việc giảm lượng tiền mặt, giấy tờ và giao dịch thanh toán trực tiếp giữa các DN và giữa DN với Chính phủ.
Năm 2015 đã chứng kiến những nỗ lực hội nhập rất lớn của Việt Nam khi tham gia đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do quan trọng như FTA với EU, FTA Việt Nam – Hàn Quốc; cũng như hoàn tất đàm phán TPP – ông Kyle F, Giám đốc Khu vực Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) đánh giá.
Việt Nam khác với các đối thủ, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trên 6,5% – ông Kyle F cho đây là cơ hội vàng để Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu và phát triển. Và để phát triển mạnh mẽ, Việt Nam cần khai thác cơ hội để thúc đẩy khu vực DN sáng tạo nhằm tiến xa hơn trong chuỗi giá trị. Đồng thời, Nhà nước cần đẩy mạnh phát triển môi trường kinh doanh, gắn kết giữa các khu vực kinh tế.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()