Việt Nam cần duy trì cung ứng thuốc biệt dược gốc để đáp ứng điều trị
Việc xây dựng danh mục, nhu cầu thuốc cấp quốc gia năm 2023 và những năm tiếp theo, đặc biệt là với thuốc thiếu, có nguy cơ thiếu là một nhiệm vụ quan trọng trong điều trị, cấp cứu người bệnh.
Sử dụng các thuốc biệt dược gốc là một nhu cầu chính đáng của bác sỹ và bệnh nhân trong điều trị, đặc biệt trong những ca bệnh nặng, hiểm nghèo.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết việc xây dựng danh mục, nhu cầu thuốc cấp quốc gia năm 2023 và những năm tiếp theo, đặc biệt là với thuốc thiếu, có nguy cơ thiếu là một nhiệm vụ quan trọng trong điều trị, cấp cứu người bệnh.
“Trước đây, thị trường thuốc đảm bảo nguồn cung dồi dào. Tuy nhiên, hiện nay, trước tác động của đại dịch COVID-19, một số thuốc không có nguồn cung thay thế hoặc nguồn cung hạn chế. Do vậy, việc xây dựng danh mục thuốc và nhu cầu là cần thiết để đáp ứng công tác khám, chữa bệnh của nhân dân,” Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho rằng cần phải rà soát, sửa đổi các văn bản pháp quy để cải tiến việc cấp phép thuốc nhanh hơn; cơ chế đấu thầu cần thay đổi phù hợp để tăng cường hơn nữa nguồn cung thuốc cho điều trị.
Công tác mua sắm thuốc biệt dược gốc thông qua công tác đàm phán giá và gói thầu thuốc biệt dược gốc đáp ứng nhu cầu tất yếu về quyền tiếp cận thuốc của bác sĩ và người bệnh theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh; phù hợp định hướng đảm bảo thuốc đủ về số lượng, tốt về chất lượng, giá hợp lý và đáp ứng nhu cầu phòng/chữa bệnh, phục hồi chức năng nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại Điều 4, 5, mục III Nghị quyết 20/NQ-TƯ của Trung ương Đảng và Điều 4, 6 mục II Nghị quyết Chính phủ số 139/NQ-CP.
Hiện nay, Bộ Y tế đang lấy ý kiến đóng góp để gấp rút sửa đổi TT15/2019, việc duy trì riêng gói thầu biệt dược gốc tại Điều 8 trong quy định hiện hành TT15/2019/TT-BYT là sự hợp lý tất yếu khi xây dựng văn bản pháp luật để đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, phù hợp với xu thế thế giới và luật pháp Việt Nam.
Theo báo cáo của đơn vị nghiên cứu thị trường IQVIA, tỷ trọng thuốc biệt dược gốc trên tổng lượng sử dụng của thuốc kê đơn tại Việt Nam (gần 11%) ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Trong khi đó, tỷ trọng thuốc biệt dược gốc trên tổng lượng sử dụng của thuốc kê đơn bình quân khu vực châu Á-Thái Bình Dương là 27.1%. Tỷ lệ % này ở các nước ASEAN và Trung Quốc là: Singapore: 41%; Malaysia: 26%; Thái Lan: 21%; Phillipines: 21%; Trung Quốc: 17%.
Nhiều chuyên gia cho rằng, theo dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi, thuốc biệt dược gốc hết hạn bảo hộ sẽ không còn nằm trong danh mục đàm phán giá, bắt buộc đấu thầu chung với thuốc generic nhóm 1 thì sẽ không công bằng vì không thể cạnh tranh về giá, không thể tồn tại trên thị trường Việt Nam.
Khi thiếu thuốc biệt dược, người bệnh chịu thiệt thòi trước tiên vì không tiếp cận được với thuốc chữa bệnh. Về mặt sử dụng trong điều trị, các thuốc biệt dược gốc hết thời hạn bảo hộ không phải luôn thay thế được, các thuốc generics không có so sánh đối đầu mà chỉ có thử tương đương sinh học.
Bên cạnh đó, thuốc biệt dược gốc sẽ không thể có mặt trong hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, các nhà thuốc, có thể dẫn đến nguy cơ xuất hiện đường dây cung cấp thuốc biệt dược gốc từ nước ngoài không kiểm soát được.
Đặc biệt, với người bệnh có nhu cầu điều trị bằng biệt dược gốc sẽ bị phát sinh các khoản chi trong khi trước đây, chi phí này có thể được san sẻ nhờ bảo hiểm y tế. Việc người bệnh bị gia tăng chi phí tự chi trả sẽ không phù hợp với định hướng “tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc y tế giảm còn 30%” tại điểm 2, mục II Nghị quyết 20/NQ-TƯ ban hành ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Theo các bác sỹ, về mặt chuyên môn, khi thuốc biệt dược gốc không thể lưu hành tại Việt Nam, giới điều trị chịu thiệt thòi về việc hạn chế được cập nhât và nâng cao kiến thức y khoa hiện đại từ các nhà sản xuất biệt dược gốc luôn đi đầu trong việc nghiên cứu lâm sàng, cập nhật các thông tin khoa học cho bác sĩ điều trị cũng như bệnh nhân.
Những bệnh nhân có khả năng chi trả cao sẽ ra nước ngoài khám chữa bệnh, gây thất thoát ngoại tệ và không thúc đẩy được việc đầu tư công nghệ, dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao ở Việt Nam…/.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()