Việt Nam cần đẩy mạnh tái cơ cấu, cải cách tài khóa
Kinh tế Việt Nam đã chứng tỏ khả năng chống chịu với khó khăn, nhưng cần phải thực hiện tái cơ cấu, cải cách tài khóa và cải cách ngân hàng quyết liệt hơn nữa thì mới có thể khắc phục được các điểm yếu trong kinh tế vĩ mô và tăng cường tăng trưởng trong trung hạn.
Đây là một khuyến cáo trong Báo cáo cập nhật Kinh tế Đông Á-Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB) mới công bố ngày 5/10.
WB đánh giá, trong khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, Việt Nam vẫn chứng tỏ khả năng chống chịu của mình. Trong 3 quý đầu năm 2016, tăng trưởng kinh tế giảm nhẹ do nông nghiệp bị hạn hán nặng nề và tăng trưởng công nghiệp sụt giảm. Nhưng ổn định kinh tế vĩ mô vẫn được duy trì và sức ép lạm phát không đáng kể.
Tỉ lệ giảm nghèo của Việt Nam vẫn tiếp tục giảm xuống nhưng sản xuất nông nghiệp sụt giảm đã đem lại một số rủi ro trong ngắn hạn, khiến sinh kế các hộ gia đình dựa vào nông nghiệp đặc biệt bị ảnh hưởng.
Viễn cảnh trung hạn vẫn tích cực, nhưng cần phải thực hiện tái cơ cấu, cải cách tài khoá và cải cách ngân hàng quyết liệt hơn nữa thì mới có thể khắc phục được các yếu kém vĩ mô và tăng cường tăng trưởng trong trung hạn.
Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của WB lưu ý vấn đề cân đối ngân sách thật thận trọng để bảo đảm nợ công an toàn. Ủng hộ quan điểm với Chính phủ Việt Nam, ông Sebastian Eckardt nhấn mạnh, chất lượng tăng trưởng mới là quan trọng thay vì chỉ chú trọng vào con số và đưa ra các biện pháp kích thích ngắn hạn
“Chúng tôi không nhìn vào biến động GDP mà còn nhìn vào sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa chủ yếu vào vốn và lao động sang phát triển các yếu tố năng suất tổng hợp (TFP). Triển vọng trung hạn của Việt Nam trong 10-20 năm nữa là vẫn ổn nếu một số cuộc cải cách hiệu quả có nhiều tác động”, ông Sebastian Eckardt nói.
Quan trọng hàng đầu là cải cách hiệu quả khu vực DNNN, thúc đẩy khu vực tư nhân trong nước hưởng lợi từ quá trình hội nhập, tham gia tốt vào chuỗi giá trị và nâng cao năng suất, tìm kiếm các động lực tăng trưởng khác ngoài khu vực FDI. Ngành tài chính, ngân hàng phải tiếp tục xử lý những vấn đề dễ bị tổn thương như nợ xấu, phân bổ nguồn lực hiệu quả cho các doanh nghiệp.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()