Việt Nam cam kết cùng các nước thúc đẩy hòa bình, an ninh quốc tế
Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc tuyên bố Việt Nam thực hiện chính sách nhất quán về chống phổ biến, giải trừ vũ khí hủy diệt hàng loạt, hướng tới xóa bỏ hoàn toàn.
Theo phóng viên TTXVN tại New York, Đại sứ Đặng Đình Quý – Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc – ngày 11/10 nhấn mạnh Việt Nam cam kết cùng các nước thúc đẩy hòa bình, an ninh quốc tế và giải quyết các vấn đề khu vực tại phiên thảo luận chung thường niên của Ủy ban 1, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76.
Phát biểu tại Ủy ban 1, tên chính thức là Ủy ban Giải trừ quân bị và An ninh quốc tế của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76, Đại sứ Đặng Đình Quý tuyên bố Việt Nam thực hiện chính sách nhất quán về chống phổ biến, giải trừ vũ khí hủy diệt hàng loạt, hướng tới xóa bỏ hoàn toàn loại vũ khí này; thực hiện các điều ước về vũ khí thông thường cần phù hợp luật pháp quốc tế, cân bằng, không phân biệt đối xử, không chính trị hóa và cần tôn trọng quyền chính đáng của các nước về quốc phòng, an ninh.
Đại sứ cho rằng bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh tiếp tục là các nguy cơ đối với dân thường, các hoạt động gìn giữ hòa bình và tác động đối với phát triển kinh tế-xã hội tại trên 60 nước, trong đó có Việt Nam.
Khi đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tháng 4/2021, Việt Nam đã thúc đẩy thảo luận, thông qua Tuyên bố Chủ tịch S/PRST/2021/08 về hành động bom mìn, trong đó kêu gọi các nước, hệ thống Liên hợp quốc và các tổ chức liên quan tiếp tục hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng.
Đại diện Việt Nam cũng nhấn mạnh công nghệ thông tin và truyền thông (ICTs) mang lại các lợi ích to lớn về phát triển kinh tế-xã hội nhưng các nước cần hợp tác, xây dựng các quy chuẩn đồng thuận về hành vi có trách nhiệm nhằm giải quyết các thách thức chung phù hợp với luật pháp quốc tế.
Ủy ban 1 sẽ tiếp tục họp đến đầu tháng 11/2021, thảo luận và thông qua nhiều nghị quyết thuộc các đề mục quan trọng về giải trừ quân bị, an ninh quốc tế, trong đó có giải trừ và chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, vũ khí thông thường, chống chạy đua vũ trang ngoài không gian vũ trụ và cải tổ bộ máy giải trừ quân bị đa phương, tăng cường an ninh khu vực, quốc tế./.
Ý kiến ()