Việt Nam bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt
Các nước đang có sự thay đổi mạnh mẽ để nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu, hàng rào bảo hộ hàng hoá của các quốc gia ngày càng gia tăng.
Cơ cấu hàng xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam vẫn chưa thực sự thay đổi, chủ yếu vẫn là gia công và xuất khẩu hàng thô. |
Tại Diễn đàn xuất khẩu được tổ chức ngày 8/8, ông Nguyễn Phú Hoà, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, nhìn nhận nhiều khả năng kim ngạch xuất khẩu cả năm sẽ đạt khoảng 200 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp (DN) trong nước tiếp tục đạt mức tăng trưởng xuất khẩu khá, cụ thể đạt 32,2%, tăng 14,6% so với cùng kỳ. Đặc biệt, xuất khẩu vào các nước có hiệp định thương mại tự do ngày càng tăng cao cho thấy các DN Việt đã tận dụng tốt cơ hội do các hiệp định này mang lại.
Tuy nhiên hoạt động xuất khẩu nói riêng, và nền kinh tế nói chung đã bộc lộ nhiều điểm nghẽn, cần thay đổi để phát triển.
Các nước đang thay đổi rất nhanh
Theo ông Nguyễn Phú Hoà, kinh tế toàn cầu đã chứng kiến những diễn biến khó lường. Trước sự kiện Brexit, để bảo vệ sự đoàn kết, châu Âu chắc chắn sẽ đẩy mạnh đặt ra các hàng rào kỹ thuật đối với hàng nhập khẩu để bảo hộ thị trường, bảo hộ đầu tư ở các nước có trình độ phát triển chưa tương đồng.
Ở bờ bên kia của Đại Tây Dương, Tổng thống Mỹ Trump đã thẳng thừng bác bỏ TPP và nêu quan điểm rõ rệt về bảo hộ thị trường, sản xuất trong nước. Nước Mỹ với sự giúp sức của quá trình robot hoá, nên việc kêu gọi các nhà sản xuất quay trở lại Hoa Kỳ để sản xuất sản phẩm “Made in America” là đều có thể trở thành hiện thực và song song với quá trình ấy, nước Mỹ với thế mạnh của mình sẽ đặt ra các rào cản kỹ thuật. Ví dụ mới nhất như đạo luật Farm Bill.
Trung Quốc đang tái cơ cấu, tập trung vào thị trường nội địa và có những chiến lược hết sức mạnh mẽ để cạnh tranh với Nhật, Hàn Quốc và cả với Mỹ trong lĩnh vực chất lượng và năng suất.
“Trung Quốc đang điều chỉnh để nâng tầm quốc gia, Trung Quốc sẽ đi vào nền tảng sản xuất hiện đại như Hàn Quốc, Nhật Bản, và ra sức thay đổi chất lượng hàng hoá Trung Quốc. Ngoài ra Trung Quốc chủ trương từ lâu sẽ tự sản xuất để đáp ứng các nhu cầu trong nước. Ví dụ, Trung Quốc trồng đại trà thanh long để giảm nhu cầu nhập từ Việt Nam”, ông Hòa nhận định.
Trong khi đó, nước Nhật đang lặng lẽ trở thành quốc gia mà ở đó robot từng bước làm việc bên cạnh con người và năng lực sản xuất của Nhật sắp tới sẽ gia tăng theo cấp số nhân. Hàn Quốc đi vào năng lực thiết kế, sáng tạo, định ra xu hướng và tạo dựng thế lực dẫn đầu ở nhiều chuỗi sản xuất.
Trong khi đó, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động hết sức mạnh mẽ, làm thay đổi sâu sắc phương thức sản xuất, quản trị xã hội, dịch vụ, thương mại… làm cho chiến lược phát triển của các nước dựa vào thu hút đầu tư nước ngoài và lợi thế lao động giá rẻ có nguy cơ phá sản.
Cần kiến tạo làn sóng xuất khẩu lần 2
Theo ông Hòa, những diễn biến trên đặt ra những khoảng cách lớn và những rủi ro khó tránh khỏi cho DN Việt Nam. Đã đến lúc cần xem lại toàn diện chất lượng xuất khẩu bởi hiện nay, làn sóng xuất khẩu lần thứ 1 đã đạt đến ngưỡng phát triển.
Các chuyên gia Nhật Bản cũng cho rằng Việt Nam cần có những sản phẩm khác biệt, có chất lượng chứ không thể cạnh tranh bằng sản lượng mới có thể mang về giá trị cao.
Ông Yuichiro Shiotani- Tổng giám đốc Topvalu Japan- cho rằng, tự động hóa đang là xu hướng của thời đại ở khắp nơi trên thế giới. Các DN muốn khẳng định vị trí, muốn bán được sản phẩm thì phải tạo ra sự khác biệt trong sản phẩm. Phải cho người tiêu dùng thấy những đổi mới, sáng tạo nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng…
Đây đang là điểm yếu của đa phần DN Việt Nam, bởi lẽ trong số 600 triệu USD mà Nhật Bản đang phải bỏ ra để nhập khẩu các sản phẩm may mặc, hàng tiêu dùng… thì Việt Nam mới chỉ chiếm con số ít ỏi là 28 triệu USD với 50 nhà cung cấp (trong khi đó Trung Quốc đang chiếm tới 400 triệu USD và 430 nhà cung cấp).
Các chuyên gia cho rằng từ những đòi hỏi từ thực tế, Việt Nam cần một cuộc kiến tạo làn sóng xuất khẩu lần 2 thị trường thế giới để thay đổi năng lực cạnh tranh của sản phẩm, đi vào giá trị gia tăng, nâng tầm thương hiệu, hình ảnh quốc gia.
Được biết, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Với 10 nhóm giải pháp, Đề án đặt mục tiêu đến năm 2020, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của các mặt hàng đang có lợi thế xuất khẩu; giá trị gia tăng của các mặt hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu chủ lực tăng bình quân 20% so với hiện nay. Tăng dần tỷ trọng xuất khẩu nông, thủy sản vào thị trường các nền kinh tế phát triển (như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…); phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 8%/năm thời kỳ 2016 – 2020.
Các mặt hàng ưu tiên nâng cao năng lực cạnh tranh gồm nhóm hàng nông, thủy sản, trong đó các mặt hàng đang có lợi thế xuất khẩu: Gạo, cà phê, cao su, thủy sản, hạt tiêu… Nhóm hàng công nghiệp chế biến có các mặt hàng đang có lợi thế xuất khẩu như dệt may; giày dép, đồ gỗ, điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện…; các mặt hàng sẽ có lợi thế xuất khẩu như nguyên phụ liệu dệt may, da giày, nhựa và sản phẩm nhựa, phân bón, hóa chất.
Nông sản Việt đóng mác Trung Quốc, Nhật Bản? Thủ tướng Chính phủ cũng vừa giao Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ được phân công kiểm tra, xử lý thông tin phản ánh về thương hiệu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trước đó, báo điện tử Vietnamplus ngày 20/7/2017 có bài phản ánh: Theo ông Claudio Dordi, Tư vấn trưởng Dự án EU-MUTRAP, hầu hết hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU chưa được nhận diện thương hiệu, chưa đầy đủ thông tin và tuân thủ các tiêu chuẩn dẫn đến lượng hàng bị trả về còn cao; hầu hết nông sản Việt Nam phân phối tại thị trường EU đều được đóng mác Trung Quốc, Nhật Bản… do Việt Nam xuất nguyên liệu thô qua các nước này. Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ được phân công kiểm tra, xử lý thông tin phản ánh nêu trên theo quy định. |
Theo baochinhphu
Ý kiến ()