Việt-Hàn đạt nhiều thỏa thuận hợp tác năng lượng, công nghiệp
Trong lĩnh vực năng lượng, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã tham gia đầu tư vào các dự án BOT lớn hoặc trở thành nhà thầu EPC của các dự án lớn tại Việt Nam.
Ngày 22/10, tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Quốc Khánh và Thứ trưởng phụ trách thương mại, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE) Kim Yong-rae đã đồng chủ trì kỳ họp lần thứ chín Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Hàn Quốc về hợp tác năng lượng, công nghiệp và thương mại.
Trong bối cảnh thương mại khu vực và thế giới đang có nhiều khó khăn, kỳ họp này có ý nghĩa quan trọng góp phần đẩy mạnh quan hệ kinh tế-thương mại song phương, cũng sẽ là bước chuẩn bị cho nội dung của Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)-Hàn Quốc và các chuyến thăm chính thức song phương của lãnh đạo cấp cao hai nước thời gian tới.
Kỳ họp diễn ra trong bầu không khí hữu nghị, cởi mở. Hai bên đã trao đổi thẳng thắn, tích cực để cụ thể hóa các tiềm năng hợp tác của hai nước và giải quyết các vấn đề cùng quan tâm, thu được nhiều kết quả trong các lĩnh vực.
Về công nghiệp, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác nâng cao năng lực sản xuất của Việt Nam, nhất là đối với các ngành chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, tạo năng lực đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm cung cấp cho thị trường Hàn Quốc và các nước thứ ba thông qua các biện pháp như phối hợp chặt chẽ để sớm khai trương Trung tâm Tư vấn và Giải pháp công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc (VITASK) ngay trong năm 2019.
Hai bên phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ; tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư Hàn Quốc tìm hiểu, điều tra thị trường, hợp tác sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; triển khai Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương và Tổ hợp Samsung tại Việt Nam (được ký tại kỳ họp) về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực sản xuất khuôn mẫu; tiếp tục triển khai các chương trình đào tạo về công nghiệp hỗ trợ; Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực thiết kế kỹ thuật số cho doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc của Việt Nam…
Trong lĩnh vực năng lượng, hai bên đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp hai nước thời gian qua. Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã tham gia đầu tư vào các dự án BOT lớn hoặc trở thành nhà thầu EPC của các dự án lớn tại Việt Nam.
Ngoài ra, hai bên cũng nỗ lực thúc đẩy hợp tác về an toàn và tiết kiệm năng lượng. Những kết quả này không chỉ đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng mà còn thể hiện sự tin tưởng của các nhà đầu tư Hàn Quốc đối với môi trường, chính sách phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.
Trong lĩnh vực thương mại, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác và thực hiện mọi biện pháp cần thiết, hợp lý nhằm hỗ trợ thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương theo hướng tăng cường xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc, đặc biệt là nhóm hàng nông thủy sản; tăng cường thu hút đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam, nhất là các lĩnh vực sản xuất, chế biến thực phẩm, phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ thương mại.
Bên cạnh đó, hai bên nhất trí tạo điều kiện thuận lợi hơn cho xuất khẩu nông sản và thủy sản của Việt Nam sang Hàn Quốc; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực phòng vệ thương mại thông qua việc tiếp tục phối hợp thực hiện chương trình hỗ trợ kỹ thuật giúp Việt Nam xây dựng và vận hành hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại để cung cấp thông tin hữu ích cho các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp FDI của Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam…
Hai bên phối hợp, hỗ trợ nâng cao năng lực thiết kế sản phẩm của Việt Nam, tạo điều kiện cho hàng Việt Nam thâm nhập các kênh phân phối Hàn Quốc, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực về thương mại./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()