Việt Cường mùa nhãn ngọt
Với 10 cây nhãn hơn năm năm tuổi, vụ nhãn năm nay gia đình chị Trần Thanh Trà (xóm Việt Cường) thu nhập hơn 10 triệu đồng. Cuối tháng 8, về xóm Việt Cường, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ, Thái Nguyên), chúng tôi như lạc vào rừng nhãn. Đi trên con đường bê-tông dọc xóm, thấy lòa xòa cành nhãn trong vườn nhà, nhãn vươn cả qua tường rào, quả nhiều như đắp vào cây, chín rộ.Ông Phạm Quang Tiến, Chi hội trưởng Chi hội nông dân xóm vừa mang nhãn sang chợ TP Thái Nguyên bán giao cho người buôn bán lẻ trở về nhà. Ông nói: Năm nay nhãn được mùa, mang bán xô cho người bán buôn, bán lẻ ở chợ cũng được 12 nghìn đồng/kg. Còn nhãn ghép, loại quả to, vỏ mỏng, cùi dày bán được 25 nghìn đồng/kg.Ông Đỗ Văn Đạt, Trưởng xóm cho biết: Việt Cường có hơn 110 hộ thì 100% số hộ trồng nhãn. Hiện cả xóm có hơn 5.000 cây lớn, nhỏ, hai năm trước mất mùa, sản lượng nhãn của xóm chỉ đạt hơn mười tấn. Năm nay "trời cho của", sản lượng nhãn của xóm dự ước đạt...
|
Ông Phạm Quang Tiến, Chi hội trưởng Chi hội nông dân xóm vừa mang nhãn sang chợ TP Thái Nguyên bán giao cho người buôn bán lẻ trở về nhà. Ông nói: Năm nay nhãn được mùa, mang bán xô cho người bán buôn, bán lẻ ở chợ cũng được 12 nghìn đồng/kg. Còn nhãn ghép, loại quả to, vỏ mỏng, cùi dày bán được 25 nghìn đồng/kg.
Ông Đỗ Văn Đạt, Trưởng xóm cho biết: Việt Cường có hơn 110 hộ thì 100% số hộ trồng nhãn. Hiện cả xóm có hơn 5.000 cây lớn, nhỏ, hai năm trước mất mùa, sản lượng nhãn của xóm chỉ đạt hơn mười tấn. Năm nay “trời cho của”, sản lượng nhãn của xóm dự ước đạt 200 tấn, nếu tính giá trung bình cả vụ được 15 nghìn đồng/kg, thì mùa nhãn này mang lại cho người dân Việt Cường ba tỷ đồng.
Anh Nguyễn Văn Việt là hộ có nhiều nhãn nhất xóm, với hơn 300 gốc, chủ yếu nhãn ghép mắt, chiết cành nên đạt năng suất, chất lượng cao. Có cây đạt ba tạ quả/vụ, còn trung bình cứ hơn một tạ quả/cây. Trong xóm, anh Việt là thế hệ trồng nhãn đi sau, nhưng năng động, dám nghĩ dám làm. Bố anh Việt là cụ Nguyễn Văn Tứ, 86 tuổi. Vào trước những năm 60 của thế kỷ trước, cụ Tứ đã cùng các hộ dân từ hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương lên đây vỡ đất làm kinh tế. Bấy giờ bà con chỉ nghĩ mang ít hột nhãn lên trồng, lấy quả ăn để vơi nỗi nhớ quê. Nhờ hợp đất, hạt nhãn gieo xuống, chẳng mấy chốc đã lên xanh cho quả ăn ngọt lịm. Dần dà vùng quê này thành làng nhãn, nhà nào cũng trồng nhãn, nhà ông cụ Tứ cũng có hơn 100 gốc… Ngồi nhẩn nha với túm nhãn trong tay, quả nào cũng no tròn, mọng nước, nhẩm tính trong xóm Việt Cường hiện còn hơn 40 gốc nhãn trên 50 tuổi, nhưng vẫn sai quả. Tuy không phải là cây kinh tế chủ lực như lúa, màu, song từ nhiều năm nay, cây nhãn gắn bó với đời sống của người dân xóm Việt Cường. Vì bởi cây lúa, cây màu mới đáp ứng được lương thực tại chỗ, còn cây nhãn được ví như “của để dành” làm các việc lớn trong nhà, như cưới hỏi, giỗ chạp, mua sắm tiện nghi, phương tiện đi lại…
Cũng ở vùng đất này, trước đây người dân xóm Việt Cường đã trồng chuyển đổi qua rất nhiều loại cây, như ngô, sắn, mía và cây vải thiều… nhưng nhãn vẫn là loại cây hợp đất hơn cả. Vả lại với những người có gốc gác từ Hưng Yên, Hải Dương lên đây lập nghiệp, cây nhãn không chỉ đơn thuần là cây kinh tế, mà còn có một ý nghĩa sâu xa về gốc gác của mỗi người. Bà Trần Thị Hân, hơn 80 tuổi là một trong những điển hình như thế. Các con của cụ Hân đều thành đạt, ra ở riêng, nhưng cụ vẫn ở lại với vườn nhãn gồm hơn 50 gốc. Tuổi cao, hằng năm cụ bán vườn nhãn cho thương lái đến thu hoạch, thêm thắt được tiền ăn, tiền thuốc men dưỡng già.
Chuyện trồng nhãn, những người có kinh nghiệm trong xóm phải kể tới ông Trần Văn Thung và ông Lê Văn Trúc, mỗi hộ có hơn 100 gốc nhãn, có cây to vừa người ôm, có cây tán mới xoè được bằng cái nong, nhưng cây to, cây nhỏ đều đậu quả trĩu cành. Năm trước, vườn nhãn nhà ông Trúc có một cây hơn 50 tuổi cho thu hoạch sáu tạ quả. Còn được mùa như năm nay, ngồi dự ước với nhau về sản lượng thì ông Thung, ông Trúc có ít nhất 10 tấn nhãn quả, giá bán trung bình cả vụ được 12 nghìn đồng/kg, mỗi năm thu được 120 triệu đồng.
Chia tay Việt Cường ông trưởng xóm Đỗ Văn Đạt cho chúng tôi biết thêm: Năm nay nhãn chín muộn hơn, bắt đầu thu nhãn sớm vào 15-8, thu rộ vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 và hiện bây giờ trong xóm nhiều nhà có nhãn non, dự kiến đến cuối tháng 9 mới được thu hoạch. Thời gian thu hoạch vì thế được kéo dài, nông dân chúng tôi cũng không bị “no dồn, đói góp”.
Theo Nhandan
Ý kiến ()