Viện Kỹ thuật công trình đặc biệt (Học viện Kỹ thuật Quân sự): Bám sát thực tiễn để nâng cao chất lượng nghiên cứu
Những năm qua, Viện Kỹ thuật công trình đặc biệt (Học viện Kỹ thuật Quân sự) đã có nhiều cách làm sáng tạo, không ngừng nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học (NCKH), đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn đặt ra.
Cán bộ, giảng viên Viện Kỹ thuật công trình đặc biệt (Học viện Kỹ thuật Quân sự) trao đổi học thuật bên các trang thiết bị mới. |
Đến tìm hiểu tại Bộ môn Trắc địa bản đồ thuộc Viện Kỹ thuật công trình đặc biệt, chúng tôi được Thượng tá, PGS, TS Trịnh Lê Hùng, Chủ nhiệm Bộ môn, giới thiệu về đề tài “Nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ địa không gian trong xây dựng hệ thống hỗ trợ quản lý, phân tích tài nguyên rừng trong điều kiện biến đổi khí hậu ở tỉnh Đắk Lắk”, do anh làm chủ nhiệm. Theo anh Hùng, địa không gian là lĩnh vực phát triển tương đối nhanh, bắt buộc người nghiên cứu phải luôn tìm tòi để không bị lạc hậu, bắt nhịp được với những tiến bộ của khoa học-công nghệ trong nước và thế giới. Việc xây dựng hệ thống phần mềm quản lý trên địa bàn rộng sẽ giúp con người có biện pháp quản lý, giữ gìn và phát triển tài nguyên rừng hiệu quả hơn.
Với chức năng chính là đào tạo, NCKH và tư vấn dịch vụ khoa học-công nghệ, hiện nay, Viện Kỹ thuật công trình đặc biệt là một trong những đơn vị đi đầu của Học viện Kỹ thuật Quân sự trong ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hoạt động NCKH của Viện luôn bám sát định hướng xây dựng Quân đội hiện đại, trong đó tập trung vào những vật liệu mới, các công trình phòng thủ, hệ thống cảng, hệ thống đường sá, sân bay, công trình biển, đảo… phục vụ quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế-xã hội. Giai đoạn 2013-2022, cán bộ, giảng viên của Viện đã chủ trì và tham gia thực hiện 8 đề tài cấp nhà nước, 3 đề tài NAFOSTED (Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia), 12 đề tài cấp Bộ Quốc phòng, 4 đề tài cấp ngành và hơn 100 đề tài cấp Học viện. Trung bình mỗi năm, cán bộ, giảng viên của Viện đăng được hơn 140 bài báo khoa học, trong đó có 30-40 bài thuộc cơ sở dữ liệu ISI và Scopus; có 5 đề tài đoạt Giải thưởng Vifotec, 3 đề tài đoạt Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội. Hiện nay, Viện đang triển khai 2 đề tài cấp nhà nước, 4 đề tài cấp bộ, ngành và nhiều đề tài cấp Học viện.
Có được kết quả ấy là do Viện Kỹ thuật công trình đặc biệt đã triển khai nhiều biện pháp sát thực, hiệu quả. Tìm hiểu hoạt động của Bộ môn Trắc địa bản đồ, chúng tôi được biết, những năm qua, xác định NCKH là điểm nhấn trong hoạt động, cán bộ, giảng viên của Bộ môn đã thống nhất thực hiện nhiều biện pháp mang tính đột phá, như: Tăng cường tổ chức các buổi sinh hoạt học thuật chuyên đề; chủ động kết nối với các đơn vị, chuyên gia đầu ngành trong và ngoài Quân đội giúp cán bộ, giảng viên cập nhật các hướng nghiên cứu mới, kinh nghiệm trong công bố khoa học… Từ các buổi seminar chuyên đề có sự tham gia, chia sẻ của nhiều chuyên gia đầu ngành, cán bộ, giảng viên được cập nhật các hướng nghiên cứu mới cũng như nâng cao tính năng động, chủ động, hợp tác tìm kiếm nguồn đề tài, liên kết NCKH.
Theo Đại tá, PGS, TS Vũ Ngọc Quang, Quyền Viện trưởng và Thượng tá, PGS, TS Nguyễn Văn Tú, Bí thư Đảng ủy, Phó viện trưởng Viện Kỹ thuật công trình đặc biệt: Việc chủ động bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên là một trong những yếu tố tiên quyết để đạt kết quả cao trong thực hiện nhiệm vụ. Hằng năm, Viện giao chỉ tiêu cụ thể cho từng bộ phận trong NCKH; 100% cán bộ, giảng viên có trình độ tiến sĩ phải chủ trì ít nhất một bài báo khoa học quốc gia hoặc quốc tế có uy tín. Bên cạnh đó, Viện xây dựng các nhóm nghiên cứu chuyên sâu, nhóm nghiên cứu mạnh để phát huy thế mạnh của từng cá nhân cũng như tập hợp được lực lượng có cùng hướng nghiên cứu để giải quyết những vấn đề nghiên cứu lớn, chuyên sâu…
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/vien-ky-thuat-cong-trinh-dac-biet-hoc-vien-ky-thuat-quan-su-bam-sat-thuc-tien-de-nang-cao-chat-luong-nghien-cuu-731544
Ý kiến ()