Viện kiểm sát Nhân dân hai cấp: Nâng cao chất lượng phát biểu của kiểm sát viên tại phiên toà dân sự
– Phát biểu của kiểm sát viên (KSV) tại phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự là thực hiện kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát Nhân dân (VKSND) theo quy định của pháp luật. Xác định tầm quan trọng việc phát biểu của KSV, từ năm 2020 đến nay, VKSND tỉnh đã chú trọng, đưa ra một số giải pháp để nâng cao chất lượng phát biểu của KSV tại phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự.
Phát biểu của KSV tại phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự bao gồm: Phát biểu về việc tuân theo pháp luật của thẩm phán, hội đồng xét xử, người tham gia tố tụng kể từ khi thụ lý đến trước khi hội đồng xét xử nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết nội dung vụ án. Phát biểu của KSV tại phiên tòa sơ thẩm có vai trò rất quan trọng, để qua đó, hội đồng xét xử xem xét, quyết định trước khi tuyên án và là căn cứ để VKSND thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị sau phiên toà.
Kiểm sát viên tham dự phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án dân sự tại Toà án Nhân dân huyện Lộc Bình
VKSND thành phố Lạng Sơn là một trong những đơn vị có số lượng hồ sơ kiểm sát vụ việc nhiều nhất trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2020, nội dung “Nâng cao chất lượng phát biểu của KSV tại phiên tòa” được đơn vị đưa vào khâu công tác đột phá. Theo đó, bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc các giải pháp VKSND tỉnh đưa ra, đơn vị còn tổ chức các cuộc sinh hoạt chuyên đề để nhận xét, đánh giá về thực trạng, hạn chế, những kinh nghiệm khi xây dựng bản phát biểu có chất lượng để KSV nâng cao nhận thức, rút kinh nghiệm chung. Nhờ đó, từ 2020 đến nay, KSV tại VKSND thành phố đã xây dựng 69 bài phát biểu tại các phiên tòa sơ thẩm dân sự với tỷ lệ bài phát biểu được tòa án chấp nhận là 100%, không có bản án bị hủy, sửa do lỗi của KSV.
Bà Trần Thị Hồng Thái, KSV VKSND thành phố cho biết: Để nâng cao chất lượng phát biểu tại phiên tòa sơ thẩm dân sự, bên cạnh việc nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ việc, bản thân thường xuyên nghiên cứu các văn bản hướng dẫn của ngành, của phòng nghiệp vụ và tham khảo kinh nghiệm từ các KSV khác, tuân thủ ý kiến chỉ đạo của cấp trên trong công tác giải quyết vụ án dân sự. Từ năm 2020 đến nay, tôi đã thực hiện 17 bài phát biểu giải quyết các vụ án dân sự và đều được tòa án chấp nhận.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 116 KSV. Trước thực trạng một số phát biểu của KSV tại phiên tòa sơ thẩm dân sự chất lượng còn chưa cao, cụ thể như: phần nội dung thường nêu lại lời trình bày của các đương sự mà không đi sâu phân tích; đánh giá chứng cứ còn mâu thuẫn, thiếu logic; chưa linh hoạt trong việc xử lý, cập nhật những tình huống phát sinh vào bài phát biểu đã được dự thảo trước phiên tòa… dẫn tới một số vụ việc bị hủy, sửa do lỗi của VKSND, năm 2020, VKSND tỉnh đã đưa việc nâng cao chất lượng phát biểu của KSV vào là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được xác định trong kế hoạch, chương trình công tác kiểm sát của VKSND hai cấp.
Bà Hồ Ngọc Bích, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh cho biết: Từ năm 2020, VKSND tỉnh đã có công văn yêu cầu VKSND các huyện, thành phố thực hiện việc gửi bản phát biểu dự thảo và chính thức kèm với hồ sơ kiểm sát các vụ, việc đã giải quyết về đầu mối là Phòng Kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự, vụ án hành chính và những việc khác theo quy định của pháp luật – VKSND tỉnh để kiểm tra, đánh giá và tổng hợp nhằm kịp thời góp ý trực tiếp cho mỗi KSV rút kinh nghiệm và điều chỉnh cho phù hợp nhằm nâng cao chất lượng phát biểu của KSV.
Ngoài ra, để nâng cao chất lượng phát biểu của các KSV, từ năm 2020 đến nay, VKSND hai cấp trong tỉnh đã phối hợp với tòa án Nhân dân cùng cấp tổ chức 34 phiên tòa rút kinh nghiệm (trong đó có 6 phiên tòa rút kinh nghiệm theo cụm), có sự tham gia trực tiếp của đại diện lãnh đạo VKSND tỉnh. Qua đó, việc đánh giá về chất lượng phát biểu của KSV trong phiên tòa là nội dung được quan tâm chú trọng và luôn được đưa ra phân tích cụ thể để các KSV cùng rút kinh nghiệm.
Bà Hồ Ngọc Bích, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh cho biết thêm: Từ năm 2020 đến nay, VKSND tỉnh đã tiếp nhận và đánh giá, góp ý 215/294 bản phát biểu gửi kèm hồ sơ của các KSV trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, phát biểu của KSV sau khi được góp ý kịp thời đã có chuyển biến tích cực, khắc phục được những hạn chế còn tồn tại. Trong thời gian tới, sau khi tình hình dịch bệnh trên địa bàn ổn định, chúng tôi dự kiến sẽ đánh giá, tổng hợp các bản phát biểu để xây dựng chuyên đề “Nâng cao chất lượng bài phát biểu của KSV tại phiên tòa ” và tổ chức cuộc thi viết bài phát biểu cho các KSV có cơ hội được học hỏi, trau dồi kinh nghiệm.
Trong năm 2020, KSV của VKSND hai cấp đã tham gia 294 phiên tòa sơ thẩm dân sự. Với những chuyển biến tích cực trong chất lượng phát biểu của KSV, bản phát biểu của KSV là căn cứ để VKSND hai cấp ban hành 13 kiến nghị, 16 quyết định kháng nghị phúc thẩm, ngoài ra, các bản phát biểu còn lại đều được hội đồng xét xử chấp thuận. Tỷ lệ kháng nghị, kiến nghị được chấp thuận, tiếp thu đạt 100%; số vụ án bị hủy liên quan đến trách nhiệm của VKSND là 4 vụ, giảm 50% so với cùng kỳ năm 2019
Ý kiến ()