Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam xứng đáng là cơ quan nghiên cứu KHXH đầu ngành của cả nước
Sáng 2/12, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội (KHXH) Việt Nam đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gửi lẵng hoa chúc mừng.
Sáng 2/12, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội (KHXH) Việt Nam đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm.Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gửi lẵng hoa chúc mừng.
Tham dự Lễ kỷ niệm còn có các đồng chí: Đinh Thế Huynh – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Trần Quốc Vượng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương; Vũ Đức Đam – Phó Thủ tướng Chính phủ; cùng đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương và đông đảo các nhà khoa học, cán bộ, công chức và viên chức thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam qua các thời kỳ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ kỷ niệm (Ảnh: KT) |
Tại Lễ kỷ niệm, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng – Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã đọc diễn văn, ôn lại quá trình 60 năm thành lập và phát triển của Viện. Theo đó, nhằm xây dựng tiềm lực khoa học, chuẩn bị cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, ngay khi cả dân tộc ta vẫn đang tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, ngày 2/12/1953, tại Tân Trào (Tuyên Quang), Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã ra Quyết định số 34/NQ/TW về việc thành lập Ban Nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn học – tổ chức tiền thân của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam ngày nay. Từ đó đến nay, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã trải qua những tên gọi khác nhau. Gần đây, để nâng cao hơn nữa vai trò, vị trí của khoa học xã hội, đồng thời tạo điều kiện để đẩy mạnh hội nhập quốc tế về khoa học xã hội, ngày 26/12/2012, Chính phủ đã ra Nghị định về Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam trên cơ sở đổi tên Viện Khoa học xã hội Việt Nam.
Sau 60 năm xây dựng và phát triển, hệ thống tổ chức của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã tương đối hoàn chỉnh với 6 cơ quan giúp việc Chủ tịch Viện, 35 viện và trung tâm nghiên cứu chuyên ngành, Tạp chí KHXH Việt Nam, 2 nhà xuất bản, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và Học viện Khoa học xã hội. Viện cũng đã xây dựng được một hệ thống 33 thư viện và thông tin – tư liệu.
Cùng với sự phát triển về tổ chức, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Viện cũng ngày càng trưởng thành và lớn mạnh. Hiện, Viện có đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gồm gần 2000 người, trong đó có gần 1700 cán bộ nghiên cứu với 16 giáo sư; 125 phó giáo sư; hơn 200 tiến sĩ khoa học và tiến sĩ; hơn 500 thạc sĩ.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Trong 60 năm qua, Viện đã nỗ lực tập trung nghiên cứu những vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp bách về lý luận và thực tiễn của đất nước; tổng kết thực tiễn góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc soạn thảo Cương lĩnh, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, hoạch định các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước trong công cuộc đổi mới và tiếp tục đổi mới đất nước…
Với những đóng góp và cống hiến khoa học to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiều cá nhân và tập thể thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã được tặng thưởng các danh hiệu cao quý và nhiều huân, huy chương bậc cao như: Huân chương Độc lập hạng Nhì, hạng Nhất; Huân chương Hồ Chí Minh và trong dịp kỷ niệm 55 năm ngày thành lập, Viện đã vinh dự được nhận phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước: Huân chương Sao vàng. Đặc biệt, có 20 công trình, cụm công trình của Viện đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và 24 công trình, cụm công trình được tặng Giải thưởng Nhà nước – những giải thưởng lớn nhất về khoa học công nghệ của nước ta.
Về định hướng phát triển Viện trong giai đoạn tới, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, thời gian tới sẽ phấn đấu phát triển Viện trở thành trung tâm quốc gia hàng đầu về nghiên cứu cơ bản, vĩ mô, tầm chiến lược để cung cấp luận cứ khoa học trong xây dựng chiến lược phát triển và tham mưu chính sách cho Đảng và Nhà nước cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cho cả nước.
Viện sẽ ưu tiên tập trung đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ có hiểu biết rộng về khoa học xã hội, sâu về chuyên ngành, có khả năng và đủ sức giải quyết những vấn đề mới do thực tiễn đặt ra; tập trung xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành về khoa học xã hội, đạt trình độ khu vực và quốc tế…
Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm |
Tại Lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt hoan nghênh, chúc mừng và biểu dương những kết quả, thành tích và đóng góp quan trọng của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam qua các thời kỳ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, các thế hệ lãnh đạo, nhà khoa học, cán bộ và viên chức của Viện đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt những nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó; xây dựng Viện xứng đáng là một cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội đầu ngành của cả nước, được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy, ghi nhận, đánh giá cao.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, bối cảnh thế giới và đất nước đang đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với khoa học xã hội và nhân văn; nhiều vấn đề lý luận cơ bản về sự phát triển của đất nước đang cần tiếp tục được làm sáng tỏ, cần có câu trả lời chính xác, trước hết là từ những người làm công tác khoa học xã hội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị: Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cần tiếp tục phát huy truyền thống và thành tích đã đạt được trong 60 năm qua, đổi mới toàn diện và mạnh mẽ hơn nữa, thực hiện tốt chức năng là cơ quan nghiên cứu những vấn đề cơ bản về khoa học xã hội, cung cấp những luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển đất nước, thực hiện tư vấn về chính sách, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học xã hội, là chỗ dựa, là nòng cốt cho công tác nghiên cứu khoa học xã hội của nhà nước.
Cụ thể, về công tác nghiên cứu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị một mặt cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu các lĩnh vực cụ thể, chuyên ngành của khoa học xã hội, kết hợp nghiên cứu cơ bản, hàn lâm với nghiên cứu triển khai, ứng dụng; nghiên cứu đa ngành và nghiên cứu liên ngành; nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng. Mặt khác, cần đẩy mạnh nghiên cứu lý luận chính trị, tổng kết thực tiễn, làm sáng tỏ các vấn đề về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, phù hợp với thực tiễn Việt Nam, cung cấp những luận cứ khoa học cho việc xây dựng đường lối, chiến lược, chính sách phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Chú trọng nghiên cứu dự báo xu hướng phát triển, thể hiện tầm nhìn xa; kết hợp nghiên cứu các vấn đề ngắn hạn, trung hạn và dài hạn có thể đến năm 2030, 2050. Trước mắt, cần tham gia tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn 30 năm đổi mới do Bộ Chính trị giao, tập trung vào các vấn đề: kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển văn hóa, xây dựng con người; giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường… Đặc biệt, tập trung làm rõ và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn được nêu trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).
Về công tác xuất bản, thông tin, truyền thông khoa học xã hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Đây là khâu rất quan trọng, không chỉ phục vụ công tác nghiên cứu khoa học của Viện và cả nước mà còn là một kênh để Viện trực tiếp đóng góp thường xuyên, lâu dài cho sự nghiệp phát triển ngành khoa học xã hội quốc gia, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tổng Bí thư đề nghị thời gian tới, Viện cần đổi mới tổ chức và xây dựng cơ chế hoạt động cho phù hợp hơn với điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, kỹ thuật số. Củng cố, nâng cao thương hiệu của các nhà xuất bản, các tạp chí, khoa học chuyên ngành bằng các tác phẩm, công trình có giá trị, chất lượng cao…; đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ của các Thư viện, Trung tâm thông tin tư liệu… Tiếp tục tăng cường và mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế nhằm quảng bá những thành tựu phát triển, các giá trị văn hóa của đất nước, con người và dân tộc Việt Nam với cộng đồng thế giới; chọn lọc và tiếp thu những thành tựu, tinh hoa của khoa học xã hội thế giới để phát triển hơn nữa nền khoa học xã hội nước nhà.
Về công tác đào tạo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị: Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành hữu quan triển khai có kết quả Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trước hết, Viện phải chú trọng đào tạo cả về phẩm chất, đạo đức và trình độ, năng lực; xây dựng, phát triển một đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên. Đặc biệt, quan tâm xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực khoa học xã hội; đội ngũ những người làm công tác quản lý giỏi về chuyên môn, thạo về quản lý, tạo tiềm lực mạnh cho sự phát triển của khoa học xã hội.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: Viện phải tạo ra môi trường làm việc dân chủ, đoàn kết, kỷ luật, kỷ cương. Lãnh đạo Viện phải có kế hoạch đổi mới mạnh mẽ tổ chức và cơ chế hoạt động của Viện, thường xuyên chăm lo xây dựng cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm việc; chăm lo bảo đảm đời sống của cán bộ, công chức, viên chức; mở rộng hợp tác quốc tế, có chính sách, biện pháp thu hút các nhà khoa học có trình độ cao ở trong và ngoài nước, trọng dụng nhân tài, tạo sức mạnh tổng hợp để đưa nền khoa học xã hội Việt Nam tiến lên một bước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()