Viện Báo chí: 60 năm đặt nền móng lý luận phát triển báo chí
Tiến sỹ Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí cho biết trong 60 năm hình thành và phát triển, Viện đã đặt nền móng lý luận và định hướng phát triển báo chí cách mạng Việt Nam.
Lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Viện Báo chí thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền (1962-2022) đã được tổ chức trang trọng sáng nay, 29/10.
Chương trình lễ kỷ niệm gồm nhiều hoạt động ý nghĩa như ôn lại truyền thống lịch sử hình thành và phát triển của Khoa Báo chí-Viện Báo chí; tri ân 75 cá nhân là các thế hệ nhà báo lão thành, lãnh đạo, cán bộ, giảng viên góp công lớn cho sự phát triển của Viện Báo chí.
Trong khuôn khổ chương trình cũng diễn ra hội thảo “Viện Báo chí: Truyền thống 60 năm đào tọa, nghiên cứu – vấn đề đặt ra và giải pháp phát triển.” Hội thảo nhằm điểm lại những thành tích đạt được của Viện Báo chí trong thời gian qua cũng như nhận diện phát huy những lợi thế cũng như những thách thức để từ đó đề xuất chiến lược phát triển của Viện Báo chí trong thời gian tới.
Bên cạnh đó là triển lãm sách và sản phẩm báo chí –truyền thông của các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên trong 60 năm qua củ viện.
Phát biểu tại buổi lễ, phó giáo sư, tiến sỹ Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí cho biết Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền ra đời ngày 16/1/1962 theo Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tháng 1/2019, Viện Báo chí chính thức thành lập trên cơ sở sáp nhập Viện Nghiên cứu Báo chí – Truyền thông (trực thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền) với Khoa Báo chí, theo quyết định số 6591-QĐ/HVCTQG của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Trong 60 năm qua, Viện Báo chí đã xây dựng và thực thi chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu báo chí đáp ứng yêu cầu cách mạng ở từng thời kỳ, đạt được nhiều thành tựu to lớn trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ báo chí – truyền thông.
Viện là đơn vị đầu tiên đào tạo đại học báo chí, xây dựng chương trình trình Bộ Giáo dục và Đào tạo để mở mã ngành đào tạo báo chí bậc thạc sỹ, tiến sỹ sớm nhất cả nước.
Trong chặng đường 60 năm, khoảng 200 giáo trình, sách chuyên khảo, sách tham khảo đã được nghiệm thu, xuất bản. Gần 20.000 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh các hệ đào tạo đã trưởng thành, nối tiếp truyền thống tốt đẹp, khẳng định bản sắc và có nhiều đóng góp xứng đáng cho nền báo chí truyền thông; vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, đổi mới và phát triển đất nước.
Không chỉ đào tạo trong nước, Viện Báo chí còn tham gia chương trình đào tạo cán bộ báo chí, truyền thông cho một số các nước bạn như Trung Quốc, Lào, Campuchia… và một số nước khác.
Phát huy thành tựu đã đạt được trong nghiên cứu và giảng dạy, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Thị Thu Hằng cho biết thời gian tới, Viện Báo chí xác định trong lĩnh vực đào tạo, duy trì và phát triển hệ thống đào tạo thạc sĩ, nghiên cứu sinh, mở thêm các chuyên ngành đào tạo thạc sĩ và nghiên cứu sinh báo chí phù hợp với xu thế phát triển của báo chí truyền thông hiện đại và nhu cầu thực tiễn báo chí truyền thông Việt Nam…
Trong khuôn khổ sự kiện lễ kỷ niệm, tối nay, Viện Báo chí tổ chức Lễ trao giải báo chí – truyền thông Thắp sáng (Fire Up), trao học bổng cho sinh viên và chào tân sinh viên 2022./.
Ý kiến ()