Việc xây dựng, ban hành Luật Phòng không nhân dân là rất cần thiết, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng
Tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật, chiều 1-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng không nhân dân. Đây là lần đầu tiên dự án luật này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Tại phiên họp, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật Phòng không nhân dân.
Theo Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, hoạt động tác chiến Phòng không nhân dân là nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam đã được vận dụng hiệu quả trong chiến tranh giải phóng đất nước của dân tộc ta; ngày nay, các phương án tác chiến mới trong chiến tranh hiện đại, tiến công đường không và phòng, chống tiến công đường không trở thành yêu cầu hết sức quan trọng, quyết định đến thành bại trong cục diện chiến trường.
Từ đó đặt ra yêu cầu tiếp tục xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để chủ động phòng ngừa, xử lý có hiệu quả các tình huống về quốc phòng, an ninh trên không...
Ngoài ra, Luật Quốc phòng và các văn bản pháp luật có liên quan đến nhiệm vụ Phòng không nhân dân, quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ mới quy định khung, mang tính nguyên tắc nên đặt ra yêu cầu đòi hỏi phải tạo lập khung pháp lý đầy đủ, toàn diện cho hoạt động Phòng không nhân dân để đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Cùng với đó, công tác quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000m đang được nhiều quốc gia trên thế giới hết sức coi trọng, nhất là trong giai đoạn hiện nay với sự xuất hiện của tàu bay không người lái đang được các nước nghiên cứu, chế tạo, khai thác, sử dụng cho mục đích quân sự như một lực lượng tác chiến mới mang lại hiệu quả chiến đấu cao; ở trong nước, tình trạng vi phạm pháp luật của các tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ diễn ra ngày càng gia tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa đến quốc phòng, an ninh và an toàn, an ninh hàng không.
"Từ những lý do nêu trên, việc xây dựng, ban hành Luật Phòng không nhân dân là rất cần thiết, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng, có ý nghĩa thiết thực bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới", Thượng tướng Nguyễn Tân Cương nhấn mạnh.
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương nhấn mạnh, việc xây dựng luật nhằm tạo khung pháp lý chung cho việc xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động Phòng không nhân dân; quản lý các hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về Phòng không nhân dân; xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội để phát triển kinh tế đất nước, kiên quyết, kiên trì bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Trên cơ sở 5 chính sách đã được Quốc hội thông qua, dự thảo Luật Phòng không nhân dân được xây dựng gồm 8 chương với 55 điều; quy định về: Xây dựng, huy động lực lượng Phòng không nhân dân; hoạt động Phòng không nhân dân; quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đối với Phòng không nhân dân và khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ....
Đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Phòng không nhân dân và thấy rằng: Việc ban hành Luật Phòng không nhân dân là nhằm thể chế hóa đường lối chủ trương của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành pháp luật về Phòng không nhân dân, quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc Việt Nam.
Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá hồ sơ dự án luật bảo đảm chất lượng; đủ điều kiện báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội cho ý kiến; đề nghị ban soạn thảo rà soát phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự án luật để đáp ứng quan điểm, mục tiêu, yêu cầu của luật nhưng không gây chồng chéo đối với các lĩnh vực khác, các luật khác; rà soát, đánh giá kỹ tác động của từng chính sách, điều khoản trong luật để bảo đảm hiệu quả, khả thi; cụ thể hóa tối đa trong luật những nội dung đã được kiểm nghiệm, áp dụng ổn định trong thực tiễn...
Kết luận nội dung làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định về tổ chức lực lượng Phòng không nhân dân, cơ quan chỉ đạo, cơ quan chỉ huy Phòng không nhân dân; nghiên cứu hoàn thiện quy định về quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, phân công trách nhiệm quản lý giữa các bộ, ngành, tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đăng ký cấp phép bay, điều kiện khai thác, sử dụng; gắn kết, hài hòa giữa bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội; tham khảo kinh nghiệm quốc tế về quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ...
Ý kiến ()