Việc tuân thủ quy định về an toàn thông tin mạng vẫn chưa được chú trọng
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết về tình hình an toàn an ninh mạng Việt Nam năm 2022 có nhiều “điểm sáng”. Tuy nhiên, việc tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng vẫn chưa được các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chú trọng, đặc biệt là tuân thủ quy định về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.
Ngăn chặn 2.328 website lừa đảo
Trong năm 2022, cơ quan này đã phối hợp cũng như trực tiếp ngăn chặn 2.328 website lừa đảo, 1.342 trang web lừa đảo trực tuyến cùng 986 trang web, địa chỉ mạng có nội dung vi phạm pháp luật, qua đó góp phần bảo vệ gần 4 triệu người dân. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng xử lý 76 website phát tán mã độc; chặn kết nối đến 915 địa chỉ máy chủ điều khiển mạng botnet.
Năm 2022 cũng ghi nhận 4 năm liên tiếp số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong mạng botnet (mạng máy tính ma) giảm mạnh. Hiện nay, số lượng địa chỉ IP botnet trung bình hàng tháng của Việt Nam đã giảm xuống dưới 500.000 địa chỉ, cụ thể là hơn 479.000 địa chỉ.
Các kỹ sư làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin tại Trung tâm điều hành an ninh mạng (Công ty cổ phần An toàn thông tin). Ảnh: HNM. |
Theo Cục An toàn thông tin, đây là một kết quả rất tích cực nhờ Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì phát động chiến dịch bóc gỡ mã độc trên không gian mạng hàng năm, với sự tham gia của đông đảo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của trên cả nước.
Chiến dịch làm sạch mã độc trên không gian mạng năm 2022, được Bộ Thông tin và Truyền thông phát động từ giữa tháng 9-2022, nhằm hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10-10. Chiến dịch đã được triển khai đồng bộ trên toàn quốc, với các phần mềm phòng, chống mã độc miễn phí trên Cổng thông tin không gian mạng quốc gia tại địa chỉ khonggianmang.vn/chiendichmadoc2022…
Số cuộc tấn công mạng này tăng 44,2% so với cùng kỳ năm 2021
Từ đầu năm 2022 đến nay, Cục An toàn thông tin đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 11.213 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam. Trong số đó có hơn 3.900 cuộc tấn công Phishing (tấn công giả mạo), hơn 1.500 cuộc tấn công Deface và gần 5.800 cuộc tấn công lây nhiễm mã độc malware. Số cuộc tấn công mạng này tăng 44,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo thống kê của Cục An toàn thông tin, các hình thức lừa đảo trực tuyến trong thời gian qua chủ yếu là giả mạo thương hiệu chiếm 72,6%, giả mạo chiếm đoạt tài khoản trực tuyến chiếm hơn 11%. Các hình thức khác như lừa đảo trúng thưởng, việc làm trực tuyến, các ứng dụng cho vay chiếm khoảng 16% còn lại. Chính vì vậy, một trong những mục tiêu chính trong năm 2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông là bảo vệ người dân trên không gian mạng.
Ảnh minh họa/ chinhphu.vn. |
Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo quyết liệt cùng với các cơ quan chức năng có thẩm quyền ngăn chặn rất nhiều trang web, blog giả mạo lừa đảo trực tuyến để bảo vệ gần 4 triệu người dân Việt Nam, tương đương với khoảng 6% người dùng internet.
Cục An toàn thông tin, việc tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng vẫn chưa được các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chú trọng, đặc biệt là tuân thủ quy định về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.
Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tích cực đôn đốc, hướng dẫn nhưng đến nay thì tỷ lệ hệ thống thông tin của các cơ quan, tổ chức nhà nước được phê duyệt cấp độ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Theo thống kê của Cục An toàn thông tin, với hơn 3.000 hệ thống thông tin thì mới chỉ có khoảng 54,8% hệ thống thông tin được các bộ, ngành, địa phương phê duyệt cấp độ, tăng 24,8% so với tỷ lệ 30% cuối năm 2021.
Đáng chú ý, hiện vẫn còn 9 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 12 địa phương vẫn có tỷ lệ phê duyệt thấp hơn 10%. Hầu hết, các cơ quan đều chưa triển khai đầy đủ 100% quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.
Ý kiến ()