Vì tương lai tốt đẹp hơn cho “một nửa thế giới”
Nhiều nước trên thế giới đang đẩy mạnh nỗ lực vì bình đẳng giới, nhằm góp phần xây dựng một xã hội tiến bộ và phát triển bền vững. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho sức khỏe và đời sống của mọi người dân, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Mỹ vừa thông báo kế hoạch đề xuất 2,6 tỷ USD cho các chương trình hỗ trợ nước ngoài nhằm thúc đẩy bình đẳng chung trên toàn thế giới. Khoản tiền này sẽ nằm trong đề xuất ngân sách cho tài khóa 2023 gửi Quốc hội Mỹ, cao hơn gấp 2 lần số tiền mà chính quyền đã yêu cầu cho các chương trình về giới vào năm ngoái. Trong phát biểu nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden (G.Bai-đơn) nhấn mạnh, đây là thời điểm để ghi nhận những thành tựu của phụ nữ và trẻ em gái, tôn vinh sự tiến bộ và thế giới sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn khi phụ nữ và trẻ em gái có thể phát huy hết tiềm năng của mình.
Ông Biden cho rằng, mọi phụ nữ và trẻ em gái đều có cơ hội để góp phần vào sự thịnh vượng, ổn định và an ninh của Mỹ và thế giới, đồng thời cảnh báo, ở nhiều nơi, phụ nữ và trẻ em gái phải đối mặt những trở ngại làm giảm sự tham gia của họ vào đời sống kinh tế, chính trị và xã hội. Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 cũng đánh dấu một năm ngày Tổng thống Biden thành lập Hội đồng Chính sách về giới của Nhà trắng, có trách nhiệm dẫn dắt nỗ lực của toàn chính phủ nhằm thúc đẩy bình đẳng và công bằng giới ở Mỹ và toàn cầu.
Không chỉ Mỹ mà nhiều quốc gia khác cũng quan tâm thúc đẩy bình đẳng giới. Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro (G.Bôn-xô-na-rô) vừa ký các sắc lệnh khởi động các chương trình nhằm thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp, bảo vệ phụ nữ mang thai và các bà mẹ, cũng như nâng cao sức khỏe nữ giới.
Sắc lệnh đầu tiên đã đề ra chiến lược quốc gia cho mục tiêu thúc đẩy khởi nghiệp ở nữ giới với tên gọi “Brazil vì phụ nữ” (Brazil for Women), theo đó cung cấp các khoản vay, hỗ trợ thành lập và mở rộng quy mô các công ty do nữ giới điều hành nhằm mục đích phát triển kinh tế-xã hội.
Sắc lệnh thứ hai nhằm phát động chương trình “Các bà mẹ Brazil” (Mothers of Brazil) để cung cấp sự bảo vệ toàn diện cho phụ nữ mang thai và các bà mẹ. Chương trình này là sáng kiến của Bộ Phụ nữ, Gia đình và Nhân quyền. Sắc lệnh thứ ba giúp bảo đảm phụ nữ được cung cấp đầy đủ các sản phẩm bảo vệ sức khỏe nữ giới, thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong các chương trình hành động vì sức khỏe nữ giới.
Tại châu Á-Thái Bình Dương, Indonesia và Australia nhất trí sẽ thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, đối tượng phải chịu nhiều tác động về sức khỏe, kinh tế và nhân đạo từ đại dịch Covid-19, thông qua đối thoại giữa các nhà lãnh đạo nữ trong khu vực. Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi (R.Ma-xu-đi) cùng Bộ trưởng Ngoại giao và Phụ nữ Australia Marise Payne (M.Pây-nơ) tổ chức Đối thoại giữa các nữ lãnh đạo Đông Nam Á vào ngày 18/3 tới, nhằm góp phần thúc đẩy bền vững vấn đề bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái tại khu vực.
Theo bà Marsudi, sự kiện trực tuyến này sẽ quy tụ hơn 30 nhà lãnh đạo nữ của Đông Nam Á và Australia, cùng các nhân vật nữ nổi bật với các nền tảng chuyên môn, văn hóa và học thuật khác nhau. Đối thoại nhằm nêu bật tác động của đại dịch đối với phụ nữ và trẻ em gái; thảo luận về các đề xuất hợp tác với các nhà hoạch định chính sách trong khu vực.
Nhằm bảo vệ và mang đến sự công bằng cho phụ nữ, Trung tâm bình đẳng giới đầu tiên của Liên hợp quốc ở châu Á được đặt tại Hàn Quốc. Trung tâm này có nhiệm vụ tăng cường năng lực kinh tế cho nữ giới, xóa bỏ bạo lực với phụ nữ. Chính phủ Hàn Quốc cũng cam kết nỗ lực để không gia tăng gánh nặng cho phụ nữ trong thời kỳ đại dịch Covid-19, đồng thời bảo đảm phụ nữ có việc làm ổn định.
Ý kiến ()