Nhấp một ngụm trà, ánh mắt suy tư, Thiếu tướng Nguyễn Hiền kể: Tôi sinh năm 1930, tại làng Dòng, xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao (Phú Thọ), một làng quê có truyền thống yêu nước và hiếu học. Cha tôi là một chiến sĩ cách mạng, đã tham gia đánh đồn binh Pháp ở Yên Bái, bị chúng bắt, đày đi Côn Đảo và bị kết án tử hình. Năm 1946, khi ấy mới 16 tuổi, tôi xung phong vào Vệ quốc đoàn và được đứng trong hàng ngũ của Đảng khi mới 19 tuổi. Năm 1954, tôi là chính trị viên của đại đội xung kích 263 đánh đồi A1 ở Điện Biên Phủ, khi vừa tròn 24 tuổi. Sau đó tôi là Chính ủy Trung đoàn Thủ đô thuộc Đại đoàn 308 (Đại đoàn quân tiên phong), Chính ủy Đại đoàn 308, Phó Tư lệnh chính trị Quân đoàn 14 (Quân khu I)… Cả cuộc đời tôi đã trải qua hàng trăm trận đánh lớn, nhỏ và những chiến dịch chấn động địa cầu nhưng tôi nhớ nhất là những lần vinh dự gặp Bác.
Trong chiến dịch Biên Giới, đơn vị ông đang ngồi nghỉ trên đường hành quân về thị xã Cao Bằng làm nhiệm vụ bảo vệ phòng không cho buổi lễ mít-tinh chào mừng chiến thắng thì từ xa có một đoàn người đi tới, trong đó có một cụ già mặc quân phục, chân đi dép cao-su, đầu đội mũ lá cọ, tay chống gậy trúc, chiếc túi đeo bên sườn, khăn mặt vắt vai. Mọi người reo lên 'Bác đến! Bác đến!'. Bác hơi gầy, dáng nhanh nhẹn, bước đi thoăn thoắt. Bác tươi cười nhìn từng cán bộ, chiến sĩ, khen ngợi bộ đội đánh giỏi, thắng lớn. Kết thúc chiến dịch Hòa Bình 1952, Đại đoàn 308 về tổng kết và chỉnh huấn trong một khu rừng nứa tại làng Tăng Mỹ, huyện Phù Ninh, lại được Bác đến thăm. Bác vừa đến trước cửa hội trường, bộ đội đã quây lấy Bác, ai cũng muốn được đứng gần Bác. Bác ra hiệu giữ trật tự, rồi nhìn quanh một lượt, Bác hỏi: Các cháu văn công gái đâu? Từ đằng xa có tiếng con gái đáp: Thưa Bác, chúng cháu đây ạ! Bác bảo các cháu trai nhường chỗ cho các cháu gái ưu tiên được đứng gần Bác. Sau đó Bác nói chuyện với lớp học, Bác khen bộ đội lập công lớn, nhưng Bác nhắc nhở: Thắng không kiêu, bại không nản, không được chủ quan khinh địch. Cuộc chiến đấu còn phải trường kỳ gian khổ, nhưng nhất định thắng lợi.
Năm 1954, ông và đơn vị được gặp Bác hai lần. Lần đầu khi đơn vị đang học tập chính sách tiếp quản Thủ đô ở Đại Từ (Thái Nguyên), lần sau được gặp Bác ở tại Đền Hùng (Phú Thọ). Trước ngôi đền thiêng của dân tộc, Bác đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308 cũng là căn dặn quân dân cả nước: 'Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước'. Bác còn dặn nhiều điều trước khi đại đoàn vào tiếp quản Thủ đô, đặc biệt phải cảnh giác với 'viên đạn bọc đường'. Những lời Bác dạy đã theo suốt cuộc đời ông, đã giúp ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Năm 1992, vừa rời quân ngũ, ông được nhân dân tín nhiệm giao nhiệm vụ làm Chủ tịch lâm thời Hội Cựu chiến binh tỉnh Phú Thọ rồi sau đó được bầu làm Chủ tịch Hội ba khóa liền. Trong suốt cuộc đời, từ lúc cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc đến khi trở thành vị tướng lĩnh cao cấp trong quân đội, ông luôn tự hào về những lần được gặp Bác, được nghe và học tập Bác từ những điều giản dị nhất. Mỗi lời Bác dạy ông luôn khắc ghi và không ngừng phấn đấu để trở thành người chiến sĩ kiên trung, người cựu chiến binh mẫu mực và người cha gương mẫu. Cả cuộc đời gắn bó với nghiệp binh đao, trải qua những trận đánh lớn như Điện Biên Phủ, Khe Sanh, đường 9 Nam Lào, Quảng Trị, biên giới phía bắc… Thiếu tướng Nguyễn Hiền đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhì, Huân chương Độc lập hạng nhì, 14 Huân chương các loại và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Mặc dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, trở về với đời thường nhưng ánh mắt ông vẫn sáng lên khi nhớ lại những lần được gặp Bác, được học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người. Theo ông, niềm vui lớn nhất là được chứng kiến những đổi thay của đất nước và kể cho hàng xóm, bạn bè và con cháu nghe về những lần được gặp Bác.
Ý kiến ()