Nhân dịp này, mục ý kiến và bình luận của tờ Nation (Thái-lan), số ra mới đây đăng bài của Xa-rin-na A-ri-tham-xi-ri-cun, giảng viên Trường đại học Na-re-xuổn (Băng-cốc). Tác giả viết, ngày nay, Hiệp hội các nước Đông – Nam Á (ASEAN) được quốc tế công nhận là một trong những tổ chức khu vực thành công trên thế giới, sau Liên hiệp châu Âu (EU). ASEAN đang trong giai đoạn vượt ra khỏi tầm khu vực để có vị trí ảnh hưởng đến chính sách toàn cầu. Các Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), ASEAN 3 (APT), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS)… là những diễn đàn được sử dụng để các cường quốc thảo luận các vấn đề cùng quan tâm.
Đầu năm mới 2011, chúng ta đang nghe một giai điệu mới từ các nước ASEAN do Chủ tịch năm nay là In-đô-nê-xi-a đưa ra, với mục tiêu thổi một luồng gió mới vào những hoạt động của Hiệp hội. Liệu In-đô-nê-xi-a, với sức mạnh của mình sẽ thực hiện mục tiêu này như thế nào?
In-đô-nê-xi-a là quốc gia và nền kinh tế lớn nhất Đông – Nam Á; ở cấp độ quốc tế, In-đô-nê-xi-a là đại diện khu vực tại G-20; là quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới; đối tác của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố. Nhiều nhà kinh tế cho rằng, In-đô-nê-xi-a sẽ trở thành một trong bảy nền kinh tế lớn (E-7) đang nổi lên, gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Bra-xin, In-đô-nê-xi-a, Mê-hi-cô, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều ý kiến cho rằng, E-7 sẽ thay thế quyền lực kinh tế của G-7 vào năm 2020.
In-đô-nê-xi-a đã đặt ra một kế hoạch tổng thể nhằm tiếp tục thúc đẩy các hoạt động và thực hiện các mục tiêu mà ASEAN đã đặt ra. Kế hoạch này đã được Tổng thống In-đô-nê-xi-a B.Giu-đô-giô-nô và Bộ trưởng Ngoại giao M.Na-ta-lê-ga-oa đề xuất. Mục đích của kế hoạch này là tạo ra thế chủ động của ASEAN trên hai hướng: thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015 (dựa trên ba trụ cột là chính trị – an ninh, kinh tế và văn hóa – xã hội) và tăng cường vị thế của ASEAN trong nền chính trị toàn cầu. In-đô-nê-xi-a đã nhấn mạnh mối quan hệ hai cấp độ: khu vực và toàn cầu. Điều này không phải là mới với ASEAN. Nhưng thời điểm đưa ra là khác nhau. In-đô-nê-xi-a thể hiện mong muốn mới của ASEAN phát triển một mối quan hệ đối tác với các nước lớn và có ảnh hưởng nhiều hơn về các vấn đề toàn cầu. ASEAN muốn làm nhiều hơn từ trước đến nay, không chỉ đơn thuần là người quan sát thế giới.
Gần đây, In-đô-nê-xi-a đã và đang cố gắng thúc đẩy việc nâng cấp Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) thành một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), có tính ràng buộc pháp lý, nhằm ngăn chặn xảy ra xung đột hàng hải trên Biển Đông, ảnh hưởng an ninh khu vực. ASEAN đã hủy bỏ và kêu gọi quốc tế dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại và đầu tư đối với Mi-an-ma. Hành động này rõ ràng phản ánh sự tự tin mới của ASEAN trước những thách thức của các cường quốc phương Tây. ASEAN hiểu rằng, nếu không có sự tham gia toàn cầu, nền kinh tế Mi-an-ma sẽ không thể tự do hóa và phát triển. Việc kéo dài chính sách trừng phạt của phương Tây đối với Mi-an-ma đã trở thành một vấn đề gai góc trong việc tạo ra AEC. Bộ trưởng Ngoại giao Thái-lan Ca-xịt Pi-rô-mi-a từng nhấn mạnh, hủy bỏ lệnh cấm vận Mi-an-ma sẽ giúp các nước ASEAN thực hiện hội nhập kinh tế vào năm 2015.
Các thành viên của ASEAN tuân thủ các nguyên tắc nổi tiếng của Hiệp hội là không can thiệp công việc nội bộ của nhau. ASEAN không thể yêu cầu thay đổi công việc nội bộ của các thành viên, hoặc tạo ảnh hưởng chính trị với chính phủ ở mỗi quốc gia. Về vấn đề Mi-an-ma, ASEAN quyết định bác bỏ luận điệu chống lại nước này. Tất nhiên, hướng đi mới này là vì lợi ích chung của mọi thành viên ASEAN, muốn giải phóng thị trường 50 triệu người ở Mi-an-ma.
Các câu hỏi nhỏ hơn về mặt kỹ thuật được đặt ra, như làm thế nào để ASEAN phản ứng với những vấn đề khác nhau, khi tham gia các vấn đề liên quan đến an ninh, mà lợi ích của các nước đang nổi lên như In-đô-nê-xi-a và các quốc gia nhỏ hơn trong ASEAN không hoàn toàn trùng lặp.
In-đô-nê-xi-a có kế hoạch tăng chi phí quân sự từ 1 lên 1,5% GDP vào năm 2014. Việc tăng ngân sách quân sự là rất nhạy cảm với sự cân bằng quyền lực ở Đông – Nam Á và có thể gây ra sự lo ngại về việc hình thành 'vị thế lãnh đạo' khu vực. Trong thực tế, ASEAN không bao giờ ủng hộ việc tạo ra một 'lãnh đạo' khu vực, như Đức trong EU hay Mỹ trong NATO. Lãnh đạo các nước ASEAN khẳng định giá trị của 'bình đẳng, hội nhập trong đa dạng'.
Bài báo kết luận, In-đô-nê-xi-a cần chứng tỏ sức mạnh nhằm thúc đẩy sự phát triển của ASEAN, khẳng định vị thế của ASEAN – một tổ chức có tiếng nói mạnh mẽ ở cấp độ quốc tế, đồng thời bảo đảm với các thành viên khác của ASEAN rằng, sức mạnh ngày càng tăng của In-đô-nê-xi-a trong khu vực là không đi ngược mục tiêu tăng cường quan hệ hợp tác và đối tác và không cạnh tranh đơn phương trên trường quốc tế.
Ý kiến ()