Vị thế mới cho y tế tuyến xã
Kiểm tra sức khỏe cho người dân tại Trạm y tế xã Krông Na, huyện Buôn Đôn (Đác Lắc).
Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị TƯ 6, khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã xác định một trong những giải pháp là đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của y tế cấp xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe. Ngành y tế xác định mô hình hoạt động trạm y tế tuyến xã trong thời gian tới là theo nguyên lý y học gia đình.
Việt Nam có hệ thống mạng lưới y tế rộng khắp, từ tuyến Trung ương xuống đến huyện, về đến xã và có cả “cánh tay nối dài” là đội ngũ nhân viên y tế thôn bản. Trong đó, riêng tuyến cơ sở có gần 700 bệnh viện tuyến huyện và hơn 11.700 trạm y tế xã. Mạng lưới y tế tuyến cơ sở của Việt Nam được quốc tế đánh giá cao, là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ về y tế. Các nhiệm vụ được y tế cơ sở thực hiện khá tốt: Phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc bà mẹ, trẻ em, dinh dưỡng và tham gia khám, chữa bệnh…
Tuy nhiên, hiện nay do nhiều yếu tố, người dân chưa tin tưởng hoàn toàn vào chất lượng khám, chữa bệnh ở trạm y tế xã. Khi có bệnh, nhiều người vẫn tự lên thẳng tuyến trên, trong khi nhiều ca hoàn toàn có thể điều trị ngay tại tuyến dưới. Khảo sát của Bộ Y tế cho thấy, có đến 35,4% số người bệnh đến khám, chữa bệnh ở tuyến Trung ương có thể điều trị được ở tuyến tỉnh và 20% có thể điều trị được ở tuyến huyện; có đến 41,5% số người bệnh đến khám, điều trị ở tuyến tỉnh có thể điều trị được ở tuyến huyện và 11% có thể điều trị được ở tuyến xã. Khá nhiều người bị bệnh mãn tính như: Tăng huyết áp, đái tháo đường type 2… vẫn xếp hàng chờ khám các bệnh viện tuyến Trung ương. Trong khi với những trường hợp này hoàn toàn có thể kiểm tra, theo dõi và nhận thuốc điều trị định kỳ tại tuyến xã. Việc vượt tuyến không cần thiết đó vừa gây tốn kém (cho cả cơ sở y tế, quỹ bảo hiểm y tế và chính người bệnh) vừa gây quá tải cho bệnh viện tuyến trên.
Nhằm triển khai Nghị quyết số 20 của Hội nghị TƯ 6, khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Quyết định 2348/QĐ-TTg ngày 5-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới, Bộ Y tế đã và đang có nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, nổi bật nhất là xác định và định hướng trạm y tế tuyến xã sẽ hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Theo các chuyên gia lĩnh vực này, với điều kiện thực tế sẵn có của các trạm y tế tuyến xã hiện nay, việc chuyển đổi hoạt động theo nguyên lý y học gia đình hoàn toàn “nằm trong tầm tay” mà không quá tốn kém. Thời gian qua, Bộ Y tế đã xây dựng thí điểm 240 phòng khám bác sĩ gia đình tại bảy tỉnh, thành phố; xây dựng thí điểm 26 trạm y tế chuẩn tại tám tỉnh, thành phố; đồng thời phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng các cơ chế phù hợp cho y tế tuyến xã. Với chính sách bảo hiểm y tế ngày càng sát thực tế; cơ sở vật chất, trang thiết bị khá đồng bộ; trình độ nhân viên y tế được nâng cao; được chuyển giao kỹ thuật, nhiều trạm y tế xã, phường đã thu hút đông người bệnh đến khám và điều trị. Việc lồng ghép nguyên lý y học gia đình với mô hình bác sĩ gia đình rất thuận lợi để triển khai chăm sóc sức khỏe người dân tuyến đầu.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, ngành y tế quyết tâm nhân rộng mô hình trạm y tế xã theo nguyên lý y học gia đình. Phấn đấu trong khoảng 10 năm tới, mạng lưới y tế cơ sở sẽ phát triển mạnh mẽ, hoàn thành sứ mệnh là “người gác cổng” trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhiệm vụ chuyên môn mới của các trạm y tế là phải quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm, bệnh mãn tính như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, hen phế quản… Bộ Y tế sẽ triển khai đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn theo kiến thức y học gia đình cho cán bộ y tế tất cả các trạm y tế xã, trước mắt tập huấn về bệnh không lây nhiễm. Mặt khác, yêu cầu trung tâm y tế cấp huyện phải đưa bác sĩ về tuyến xã làm việc và đưa y sĩ, bác sĩ các trạm y tế xã lên huyện vừa làm vừa học để công tác khám, chữa bệnh ở cơ sở ngày càng hiệu quả hơn.
Ngoài nỗ lực của ngành y tế, chính quyền các địa phương cần thành lập ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch triển khai phát triển mạng lưới y tế cơ sở trên địa bàn (hiện còn 27 tỉnh, thành phố chưa thành lập ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai). Đồng thời tăng cường công tác truyền thông để người dân hiểu thêm về vai trò của y tế cơ sở.
Theo Nhandan
Ý kiến ()