Vị thế của Trung Quốc trong cuộc đua chinh phục không gian
Sáng 7-9, Trung Quốc đã phóng thành công một vệ tinh viễn thám mới vào vũ trụ. Lần phóng này đánh dấu nhiệm vụ thứ 486 của các tên lửa đẩy Trường Chinh, đồng thời khẳng định vị thế của Trung Quốc trong nỗ lực chinh phục không gian.
Hiện diện trên mọi “mặt trận”
Theo Tân Hoa xã, vệ tinh Dao Cảm-33 03 (Yaogan-33 03) được phóng bằng tên lửa đẩy Trường Chinh-4C lúc 2 giờ 14 phút sáng 7-9 (giờ Bắc Kinh) từ Trung tâm Phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở Tây Bắc nước này và đã đi vào quỹ đạo như dự kiến. Vệ tinh Dao Cảm-33 03 sẽ được sử dụng cho các thí nghiệm khoa học, khảo sát tài nguyên đất đai, ước tính năng suất cây trồng, cũng như phòng, chống và cứu trợ thiên tai.
Ngày 30-5-2023, các phi hành gia Trung Quốc tham gia nhiệm vụ Thần Châu 16 được đưa lên Trạm Vũ trụ Thiên Cung. Ảnh: Xinhua |
Cũng tại Trung tâm Phóng vệ tinh Tửu Tuyền hồi tháng 5 vừa qua, Trung Quốc đã phóng thành công các vệ tinh khoa học mới lên quỹ đạo, bao gồm cả vệ tinh thăm dò không gian đầu tiên của Ma Cao (Trung Quốc) mang tên Macao Science 1-vệ tinh khoa học đầu tiên do Trung Quốc đại lục và Ma Cao cùng phát triển. Đây cũng là vệ tinh khoa học đầu tiên được đưa lên quỹ đạo gần xích đạo để giám sát địa từ trường và môi trường không gian.
Tên lửa đẩy Trường Chinh của Trung Quốc có tải trọng 20 tấn khi phóng vào Quỹ đạo Trái Đất thấp (LEO) và 14 tấn khi phóng vào Quỹ đạo địa đồng bộ (GTO). Con số này nhỏ hơn nhiều so với tải trọng của tên lửa Falcon Heavy của Công ty Space X (Mỹ) nhưng tương đương với Falcon 9 và lớn hơn tải trọng Ariane 5-ECA của châu Âu.
Phóng vệ tinh lên quỹ đạo là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Trung Quốc trong nỗ lực chinh phục không gian. Cùng với các cường quốc không gian như Mỹ, Nga và Ấn Độ, Trung Quốc đang hiện diện trên mọi “mặt trận” liên quan đến nỗ lực chinh phục không gian, từ bệ phóng hạng nặng, sân bay vũ trụ, trạm vũ trụ, thám hiểm Mặt Trăng và Sao Hỏa. Ở lĩnh vực nào, Trung Quốc cũng đều có mặt và rất tích cực.
Bên cạnh đó, Trung Quốc hiện có các sân bay vũ trụ, trong đó phải kể đến Trung tâm Phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở Nội Mông; Trung tâm Phóng vệ tinh Tây Xương ở Tứ Xuyên; Trung tâm Phóng vệ tinh Văn Xương ở đảo Hải Nam. Tháng 1-2023, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất vào “Tổ hợp Phóng không gian Etlaq” đang được xây dựng ở Oman gần cảng Duqm.
Khi Trung Quốc có sân bay vũ trụ và bệ phóng, quốc gia này hướng tới mục tiêu không chỉ đưa vệ tinh vào quỹ đạo mà còn hướng tới các chuyến bay có người lái với mục đích chinh phục không gian. Do đó, Trung Quốc quyết định xây dựng trạm vũ trụ mang tên Thiên Cung. Trạm Vũ trụ Thiên Cung quay quanh ở độ cao xấp xỉ Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS), hay đúng hơn là thấp hơn một chút (khoảng 300-400km) với độ nghiêng 41° trên đường xích đạo. Dự án xây dựng trạm vũ trụ này được khởi động từ năm 2008 với cuộc thử nghiệm đầu tiên (Thiên Cung 1) thực hiện vào năm 2011; lần thứ hai (Thiên Cung 2) vào năm 2016; lần thứ ba (Thiên Cung 3) cuối cùng được coi là không cần thiết và được sáp nhập với Thiên Cung 2.
Hiện nay, Trung Quốc đang đặt mục tiêu Trạm Vũ trụ Thiên Cung thành phòng thí nghiệm vũ trụ cấp nhà nước hỗ trợ thời gian lưu trú dài ngày của các phi hành gia và hoạt động thí nghiệm khoa học, công nghệ và ứng dụng quy mô lớn.
Con đường tới Mặt Trăng và hướng về Sao Hỏa
Vì là thiên thể gần Trái Đất nhất, Mặt Trăng là điểm dừng chân đầu tiên của nhân loại để bắt đầu “kỷ nguyên giữa các vì sao”. Mặc dù Trung Quốc đã gửi thành công robot thăm dò Chúc Dung tới bề mặt Sao Hỏa vào tháng 5-2021, chương trình thám hiểm Mặt Trăng vẫn là trung tâm trong tham vọng chinh phục không gian của nước này.
Trung Quốc bắt đầu Chương trình thám hiểm Mặt Trăng vào năm 2004 và đã phóng 5 tàu thăm dò kể từ năm 2007. Tàu thăm dò thứ tư-Hằng Nga 4, đã hạ cánh xuống vùng tối của Mặt Trăng vào tháng 1-2019, trở thành tàu vũ trụ đầu tiên quan sát kỹ khu vực ít được biết đến này. Sự kiện đó đi vào lịch sử vũ trụ thế giới khi lần đầu tiên một tàu thăm dò hạ cánh xuống phần tối của hành tinh này. Các nhiệm vụ của tàu Hằng Nga 4 gồm quan sát thiên văn, địa hình, địa mạo và thành phần khoáng chất của Mặt Trăng, đo bức xạ neutron và các nguyên tử trung lập để nghiên cứu môi trường mặt tối của Mặt Trăng. Xe tự hành của nó mang tên Thỏ Ngọc 2 (Yutu 2) đã hoạt động trên đó hơn 4 năm với tư cách là xe tự hành Mặt Trăng hoạt động lâu nhất.
Hồi cuối năm 2020, Hằng Nga 5 đã đem về Trái Đất 1.731 gram mẫu vật đất đá từ vùng sáng của Mặt Trăng, đánh dấu việc nối lại sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng của Trung Quốc sau hơn 4 thập kỷ bị gián đoạn, tức từ năm 1976, đồng thời đưa Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba sau Mỹ và Nga thu được mẫu vật từ Mặt Trăng.
Trung Quốc phóng tên lửa đưa 26 vệ tinh lên quỹ đạo ngày 7-6-2023. Ảnh: China.org.cn |
Theo Tân Hoa xã, Trung Quốc sẽ thúc đẩy toàn diện giai đoạn 4 của Chương trình thám hiểm Mặt Trăng trong năm nay và dự kiến sẽ hoàn thành cấu trúc cơ bản cho Trạm nghiên cứu quốc tế ở cực Nam của Mặt Trăng vào khoảng năm 2028 thông qua sứ mệnh của tàu Hằng Nga 7 và 8. Trạm nghiên cứu này cũng đang hướng tới việc thiết lập một căn cứ lâu dài với sự hiện diện của con người tại khu vực cực Nam của Mặt Trăng.
Ngoài Mặt Trăng, nghiên cứu Sao Hỏa cũng không thể vắng mặt trong chiến lược không gian của Trung Quốc. Cả thế giới đã rất ngạc nhiên trước việc Trung Quốc thành công trong lần thử đầu tiên khi hạ cánh tàu thăm dò Zhurong lên Sao Hỏa. Sau khi hạ cánh vào tháng 5-2021, Zhurong-một phần của sứ mệnh “Thiên Vấn 1” đã di chuyển gần 2km, thu thập tất cả các loại dữ liệu (bằng camera, radar, quang phổ kế) và truyền về Trung Quốc để nghiên cứu.
Tại Hội nghị Thám hiểm không gian sâu quốc tế lần thứ nhất, tổ chức tại thành phố Hợp Phì, thủ phủ tỉnh An Huy (Anhui), Trung Quốc hồi tháng 4-2023, chuyên gia vũ trụ cấp cao Wu Yanhua, người đứng đầu dự án về thám hiểm không gian sâu của Trung Quốc cho biết, nước này sẽ phát triển một chùm vệ tinh mang tên Queqiao hay Magpie Bridge (Cầu Ô Thước), cung cấp các dịch vụ viễn thông, điều hướng và viễn thám, phục vụ thám hiểm không gian sâu. Theo ông Wu Yanhua, chùm vệ tinh thử nghiệm sẽ được nước này phát triển vào khoảng năm 2030 để hỗ trợ giai đoạn 4 của chương trình thám hiểm Mặt Trăng và việc xây dựng Trạm nghiên cứu quốc tế ở cực Nam của Mặt Trăng.
Song song với đó, Trung Quốc cũng khởi động sứ mệnh mới của Chương trình thám hiểm Mặt Trăng có người lái, với dự kiến sẽ đưa người Trung Quốc đầu tiên lên Mặt Trăng trước năm 2030. Mục tiêu của chương trình là triển khai cuộc khảo sát khoa học và các thí nghiệm kỹ thuật liên quan đến Mặt Trăng, đột phá và làm chủ các công nghệ cốt lõi như đưa người đi về giữa Trái Đất và Mặt Trăng, lưu trú ngắn hạn trên bề mặt Mặt Trăng, thăm dò chung giữa con người và thiết bị; đồng thời hoàn thành nhiều nhiệm vụ “đổ bộ, tuần tra, lấy mẫu, nghiên cứu và trở về”, hình thành năng lực thám hiểm Mặt Trăng có người lái độc lập.
Với nỗ lực không ngừng, Trung Quốc đã gặt hái được nhiều thành tựu to lớn và tiếp tục khẳng định vị thế cường quốc không gian cùng với Mỹ, Nga và Ấn Độ.
Nguồn:https://ct.qdnd.vn/quoc-te/vi-the-cua-trung-quoc-trong-cuoc-dua-chinh-phuc-khong-gian-529275
Ý kiến ()