Vì sức khỏe cộng đồng và vì sức khỏe chính mình
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm Việt Nam cần khoảng hai triệu đơn vị máu dùng cho điều trị các chấn thương, tai nạn, phẫu thuật, cho người mắc các bệnh cần truyền máu. Cứ mỗi hai giây lại có những yêu cầu cần thiết liên quan tới truyền máu và trung bình cứ bảy người vào bệnh viện thì có một người cần tiếp máu.
Thống kê của Bộ Y tế cho biết, hiện nước ta mới đáp ứng được khoảng 54% nhu cầu máu cho điều trị. Nhiều trung tâm y tế, bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, nhất là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu máu điều trị, phải ưu tiên những ca bệnh cấp cứu, còn nhiều ca bệnh nặng vẫn phải xếp hàng chờ đợi lâu.
Sau 30 năm phát động, phong trào hiến máu tình nguyện đã lan tỏa sâu rộng đến nhiều tầng lớp nhân dân qua các chiến dịch, sự kiện, chương trình như: Lễ hội Xuân hồng; Chủ nhật Đỏ; Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện 7/4; Hành trình Đỏ; Ngày Quốc tế người hiến máu. Hiến máu cũng là một trong những hoạt động trọng tâm của công tác Đoàn, công tác nhân đạo. Hàng triệu người đã tham gia hiến máu mang lại niềm vui, hạnh phúc cho những người bệnh đang cần máu và cho chính bản thân mình.
Chỉ một lần hiến máu, một người đã giúp được ba người bệnh cần máu, một triệu người hiến máu sẽ giúp hàng triệu người bệnh được cấp cứu kịp thời, kéo dài sự sống.
Các chuyên gia cho biết, một túi máu được sản xuất thành ba chế phẩm máu. Bởi vậy, chỉ một lần hiến máu, một người đã giúp được ba người bệnh cần máu, một triệu người hiến máu sẽ giúp hàng triệu người bệnh được cấp cứu kịp thời, kéo dài sự sống. Mặt khác, mỗi lần hiến máu là một lần cơ thể được kích thích quá trình tái tạo máu mới, sức khỏe người hiến máu vì thế cũng tăng lên.
Năm 2023, toàn quốc tiếp nhận được hơn 1,5 triệu đơn vị máu, trong đó, 99% lượng máu là từ người hiến máu tình nguyện. Lượng máu vận động và tiếp nhận được ngày càng tăng về số lượng, chất lượng, góp phần quan trọng bảo đảm công tác cứu chữa cho hàng triệu người bệnh. Nếu không có những người hiến máu đồng hành cùng ngành y tế, thì việc cấp cứu, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân sẽ trở nên vô cùng khó khăn.
Tuy nhiên, do nhu cầu về máu trong điều trị là rất lớn nên nguồn máu huy động từ người hiến máu tình nguyện không đáp ứng đủ. Cũng vì vậy, trong thời gian qua, bên cạnh hoạt động hiến máu tình nguyện còn có tình trạng bán máu “chui” xảy ra ở bên ngoài các bệnh viện. Thậm chí, một số nơi còn xuất hiện “cò bán máu” hoạt động dẫn dắt, môi giới người mua, bán máu.
Những người đi bán máu “chui” thường đang gặp khó khăn, cần tiền do thất nghiệp, thiếu việc làm, hoặc sinh viên xa nhà, nên sẵn sàng chi một khoản môi giới cho “cò” để bán máu. Có trường hợp còn bán máu nhiều lần khi chưa đủ thời gian nghỉ ba tháng giữa hai lần bán máu, rồi tìm cách “lách” xét nghiệm, gây nhiều nguy cơ mất an toàn sức khỏe cho cả người bán máu và người nhận máu.
Ngày 15/7/2023, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 15/2023/TT-BYT về việc quy định giá tối đa và chi phí phục vụ cho việc xác định giá một đơn vị máu toàn phần, chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn. Theo đó, từ ngày 15/9/2023, người hiến máu lấy tiền được nhận mức tiền bồi dưỡng tương ứng với lượng máu đã hiến như sau: với 250ml máu, được nhận 195.000 đồng; 350ml máu được nhận 320.000 đồng; 450ml được nhận 430.000 đồng.
Đối với người hiến máu tình nguyện (không nhận tiền) có thể lựa chọn nhận quà tặng bằng hiện vật hoặc bằng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có giá trị tối thiểu là: 100.000 đồng, 150.000 đồng, 180.000 đồng, tương ứng với lượng máu hiến: 250ml; 350ml; 450ml. Người hiến máu còn được kiểm tra sức khỏe sàng lọc, được phục vụ ăn uống tại chỗ trước và sau khi hiến máu với mức chi bình quân là 30.000 đồng.
Bên cạnh đó, người hiến máu tình nguyện được cấp Giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện. Không chỉ nhằm tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của người hiến máu mà Giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện còn có giá trị miễn phí truyền máu khi bản thân người hiến máu tình nguyện có nhu cầu truyền máu tại các cơ sở y tế công lập trong toàn quốc.
Tại Hà Nội, người hiến máu có thể liên hệ với Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, tại TP Hồ Chí Minh, người hiến máu liên hệ Bệnh viện Truyền máu-Huyết học, Bệnh viện Chợ Rẫy để được hướng dẫn; tại các tỉnh, thành phố có các trung tâm huyết học-truyền máu, khoa huyết học-truyền máu. Ngoài ra, có rất nhiều điểm hiến máu cố định tại các quận, huyện, cơ sở y tế, hội chữ thập đỏ, để người hiến máu có thể lựa chọn.
Hiến máu tình nguyện là một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện trách nhiệm của cá nhân đối với cộng đồng. Những giọt máu cho đi là chúng ta đã trao niềm hy vọng được sống và tiếp thêm sức mạnh cho người bệnh vượt qua ranh giới sinh tử. Xin đừng ngần ngại hiến máu, bởi “mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”
Ý kiến ()