tle=”Vì sự bình yên, no ấm cho Tây Nguyên”> yerText”> Xem thêm:1 ảnh Giao lưu, gặp mặt các hộ gắn kết tiêu biểu.
Thành lập từ ngày 20-2-1985, Binh đoàn 15 (Bộ Quốc phòng) được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ phát triển KT-XH gắn với giữ vững quốc phòng an ninh (QPAN) trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Gần ba mươi năm qua, những gì mà cán bộ, chiến sĩ (CBCS) của Binh đoàn đã làm được không chỉ tô thắm thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, mà còn đem lại mầu xanh no ấm và trở thành chỗ dựa vững chắc cho đồng bào các dân tộc trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, góp phần xây dựng Tây Nguyên ngày càng giàu đẹp.
Chỗ dựa vững chắc
Ngay từ đầu tiếp cận nhiệm vụ được giao, Binh đoàn đã phải đối mặt với khá nhiều khó khăn, thử thách. Ngoài địa bàn đứng chân là các xã vùng xa, vùng sâu, vùng biên giới, giao thông cách trở, thời tiết khí hậu khắc nghiệt… thì trở ngại lớn nhất vẫn là trình độ dân trí của người dân thấp kém, sản xuất chủ yếu tự cung, tự cấp, du canh, du cư… do vậy, khâu đột phá đầu tiên Binh đoàn xác định là phải làm tốt công tác vận động quần chúng. Thực hiện phương châm: “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm cho dân thấy, dân tin”, các đơn vị của Binh đoàn cùng cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể ở địa phương thường xuyên xuống các buôn làng, tranh thủ ý kiến các già làng, trưởng thôn vận động bà con thực hiện định canh định cư, tích cực hợp tác, tạo điều kiện cùng góp sức với CBCS Binh đoàn khai hoang, mở rộng đất đai, tổ chức sản xuất. Giữ gìn và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong suốt hơn hai mươi năm vượt qua khó khăn thử thách, kiên cường bám trụ, đến nay Binh đoàn đã trồng được 34.000 ha cao-su (có 6.361 ha cao-su kinh doanh cho sản lượng mủ hằng năm đạt 6.500 tấn) 700 ha cà-phê, hàng trăm ha lúa nước; xây dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng như: Điện, đường, trường, trạm… đồng bộ. Từ một đơn vị phân tán, nhỏ lẻ, đơn vị đã mở rộng trên địa bàn 129 buôn làng, 29 xã của 12 huyện, thị xã thuộc các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Bình Định, Quảng Bình, At-ta-pư (CHDCND Lào); Rat-ta-na-ki-ri (Vương quốc Cam-pu-chia). Bên cạnh đó, đã hình thành chín đơn vị công ty, nông trường, 119 đội sản xuất, một trường dạy nghề, một bệnh viện, một xí nghiệp khảo sát thiết kế, một nhà máy chế biến phân vi sinh, hai nhà máy chế biến mủ cao-su. Lợi nhuận từ các hoạt động SXKD hằng năm đều tăng cao, tổng doanh thu đạt hơn 1.941 tỷ đồng, nộp ngân sách 178,6 tỷ đồng… Năm 2011, hoạt động SXKD của Binh đoàn dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách nhưng đơn vị đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, kế hoạch được giao doanh thu tăng 20%, lợi nhuận tăng 20% so với năm trước (đứng thứ hai trong toàn quân); trồng mới 6.256 ha cao-su (diện tích trồng mới lớn nhất từ trước đến nay); tiền lương bình quân hơn bảy triệu đồng/người/tháng.
Thấu suốt quan điểm của Đảng xây dựng kinh tế gắn với quốc phòng, quốc phòng gắn với kinh tế, thông qua các phương án tổ chức sản xuất, Binh đoàn đã phối hợp chính quyền các địa phương bố trí các cụm dân cư theo thế chiến lược đan xen các buôn làng và địa hình phòng thủ. Trên cơ sở phương châm: “Binh đoàn gắn với tỉnh; công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với buôn làng; hộ công nhân người Kinh gắn với hộ đồng bào dân tộc thiểu số” (DTTS), đến nay các công ty, đơn vị đã tổ chức kết nghĩa với 33 xã, các đội sản xuất kết nghĩa với 220 thôn, làng; 4.276 hộ công nhân người Kinh gắn kết với 4.276 hộ đồng bào DTTS. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ, vững chắc về kinh tế, Binh đoàn đã có chính sách thu hút lao động, đặc biệt ưu tiên lao động là đồng bào các dân tộc địa phương. Với phương châm “Phát triển và mở rộng sản xuất đến đâu, thu hút lao động và xây dựng khu dân cư đến đó” từ chỗ chỉ có gần 5.000 lao động với ba cụm và 21 điểm dân cư, 1.718 hộ vào năm 1990, đến nay Binh đoàn đã có gần hai mươi nghìn lao động và hàng vạn nhân khẩu, được bố trí trên 10 cụm với hàng trăm điểm dân cư trên dọc biên giới. Tại đây, Binh đoàn đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng ba trạm thủy điện, 60 km đường dây điện trung và hạ thế, sửa chữa nâng cấp hơn 1.000 km đường giao thông liên thôn về các vùng xa, vùng sâu, vùng biên giới; xây tặng hàng trăm nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách, ổn định 12 làng định canh, định cư (ĐC-ĐC), 15 trường THCS, THPT; 130 nhà trẻ mẫu giáo nuôi dạy hơn 5.000 cháu, ba trung tâm vui chơi cho trẻ em, một bệnh viện và hai phân viện, bảy bệnh xá, một trường trung cấp nghề; ba trạm thu phát lại truyền hình ở các huyện Đức Cơ (Gia Lai), Ngọc Hồi, Kon Plông (Kon Tum), phục vụ nhu cầu thông tin giải trí cho CBCS và người dân địa phương. Cũng từ các mô hình tổ chức theo cụm dân cư, Binh đoàn đã triển khai thuận lợi các phong trào mang ý nghĩa xã hội thiết thực, một trong những phong trào mang lại hiệu quả cao đó là phong trào kết nghĩa giữa các đơn vị với địa phương đứng chân; phong trào kết nghĩa giữa hộ công nhân người Kinh với hộ đồng bào DTTS. Do có sự chỉ đạo và thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức phù hợp tình hình thực tế trong từng giai đoạn, phong trào kết nghĩa không chỉ dừng lại ở việc giúp người dân ổn định sản xuất mà còn đi sâu giải quyết những vấn đề mang tính xã hội cơ bản, lâu dài, đã góp phần quan trọng làm thay đổi về nhận thức của người dân trên nhiều mặt của đời sống xã hội; không chỉ phát triển KT-XH mà còn góp phần làm ổn định tình hình an ninh – chính trị, trật tự an toàn – xã hội (AN-CT,TTAT-XH) ở Tây Nguyên.
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang, Tư lệnh Binh đoàn, cho biết: Chính nhờ đời sống ổn định, kinh tế phát triển và thường xuyên được giáo dục nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, nên trong các vụ gây rối AN-CT, TTAT-XH trên địa bàn Tây Nguyên trong thời gian qua, cư dân trong vùng dự án, 121 buôn làng đồng bào DTTS do Binh đoàn quản lý, không có ai bị bọn xấu lôi kéo tham gia, đó cũng chính là tiền đề chính trị, nền tảng vật chất vững chắc mà không một thế lực phản động nào có thể lôi kéo, kích động bà con tham gia vào những việc làm sai trái chống lại cách mạng, chống lại nhân dân. Với những thành tích đóng góp trên địa bàn Tây Nguyên, ngày 13-1-2003, Binh đoàn vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”; ba tập thể cấp công ty được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” và một cán bộ lãnh đạo của Binh đoàn hai lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” và “Anh hùng Lao động” trong thời kỳ đổi mới.
Đào tạo thế hệ công nhân mới
Cùng với những thay đổi dễ nhận thấy về mặt phát triển KT-XH mà các đơn vị của Binh đoàn 15 đem lại cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên còn là sự thay đổi về mặt nhận thức. Đến nay, trong tổng số hơn 15.000 cán bộ, công nhân viên và người lao động, Binh đoàn đã tuyển dụng hơn 4.000 hộ với hơn 6.000 lao động là người các dân tộc tại chỗ vào làm công nhân hoặc nhận khoán vườn cây của Binh đoàn, tạo ra những nhân tố mới trong xây dựng buôn làng văn hóa, đẩy lùi nghèo nàn và các tập tục lạc hậu, đồng thời là hạt nhân đoàn kết, tích cực vận động cộng đồng giữ vững AN-CT-TTAT-XH địa phương. Nhờ được vào làm công nhân, được tiếp cận với cách thức làm ăn mới, có tổ chức, kỷ luật và kỹ thuật, theo quy trình khép kín, đồng bào đã dần bỏ được thói quen canh tác lạc hậu vốn đã ăn sâu trong nếp nghĩ, cách làm. Quan trọng hơn, với cách làm trên, Binh đoàn đã góp phần đào tạo một thế hệ công nhân mới, người làm chủ mới, biết nắm bắt và áp dụng những tiến bộ KH-KT trong sản xuất để làm giàu ngay trên chính quê hương mình.
Nhiều năm qua, cùng với việc ưu tiên tuyển dụng người tại chỗ vào làm công nhân và nhận khoán chăm sóc vườn cây, Binh đoàn còn chú trọng việc đào tạo bồi dưỡng về nhiều mặt cho đội ngũ này. Chỉ tính từ năm 1999 đến nay, đã có 2.643 lượt người được đào tạo về chuyên môn, kỹ thuật, (trong số này hiện có hơn 1.600 đang là thợ đứng cạo mủ, chiếm 61,67%), ngoài ra còn hướng dẫn cho hơn 2.500 lượt người về kỹ thuật chăm sóc cao-su, cà-phê, canh tác cây lúa nước. Nhiều thanh niên công nhân đã phấn đấu trưởng thành, được kết nạp Đảng, được giao giữ các chức vụ đội trưởng, đội phó, tổ trưởng sản xuất; nhiều người không chỉ vượt qua được mặc cảm, bỡ ngỡ ban đầu mà còn vươn lên trong cuộc sống, giàu có và trở thành những tấm gương SXKD giỏi cho cộng đồng noi theo mà Rơ Mah M’rao, ở làng Boong, xã Ia Dơk (Đức Cơ) là một thí dụ: Ngoài mười ha cao-su nhận khoán chăm sóc, gia đình anh còn tự trồng mười ha cao-su tiểu điền, làm thêm mười ha điều, ba ha cà-phê, hai ha sắn, nuôi 20 con bò… Tài sản của gia đình anh, sau 20 năm vào làm công nhân cao-su, tính đến nay có đến hàng tỷ đồng với ba căn nhà xây kiên cố, hai xe máy, một xe công nông, một máy xay xát, một xe khách, một cửa hàng bán tạp hóa, phân bón phục vụ cả khu vực ở ngay bìa làng. Các con M’rao cũng nhờ vậy được ăn học đến nơi đến chốn giờ đã trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định. Rơ Mah M’rao hiện là một Thiếu úy, quân nhân chuyên nghiệp, Đội phó Đội sản xuất số 13, thuộc Công ty 75. Nhiều thanh niên, nhờ vào làm công nhân cao-su, chịu khó học hỏi, gia đình có cuộc sống và thu nhập ổn định như: Kpui Tui, ở làng Nẻ, xã Ia Din (Đức Cơ), nhận khoán chăm sóc vườn cây và trồng hai ha cao-su tiểu điền, 700 gốc cà-phê, hai ha sắn thu nhập hằng năm 100 triệu đồng; Kpă Klu, Rơ Châm Hức, Kpui Chung ở làng Hle (Chư Prông) công nhân đội 4, thuộc Công ty Bình Dương, nhận chăm sóc cà-phê, hằng năm vượt sản lượng từ 10 đến 13 triệu đồng; một số công nhân còn được đào tạo trở thành những cán bộ như Rơ Mah Joách, Đội phó Đội 15, Kpui Che, Đội phó Đội 10… Có thể nói, những thế hệ công nhân mới như M’rao, như Kpui Tui, Rơ Mah Joách, Kpui Che… là những nhân tố tích cực, lực lượng nòng cốt ở các buôn làng Tây Nguyên hôm nay không chỉ biết làm giàu, biết áp dụng các tiến bộ KH-KT, mà còn đi đầu cùng với các già làng, trưởng thôn và bà con tích cực tham gia xóa đói, giảm nghèo, xóa bỏ các tập quán lạc hậu, xây dựng cuộc sống mới.
Đánh giá về những đóng góp của CBCS Binh đoàn 15 đối với địa phương, đồng chí Hà Sơn Nhin, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai cho biết: Chủ trương vận động đưa đồng bào dân tộc thiểu số vào làm công nhân, nhận chăm sóc vườn cây; tổ chức kết nghĩa các đội sản xuất với các buôn làng và gắn kết hộ công nhân người Kinh với đồng bào DTTS của Binh đoàn 15 đã giúp cho địa phương rất nhiều, tạo nên sự chuyển biến mới trong nhận thức của đồng bào về công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Đặc biệt, các đơn vị đã tích cực cùng cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể địa phương tham gia củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung ổn định về chính trị, phát triển về kinh tế, vững mạnh về quốc phòng an ninh.
Một số thành tích tiêu biểu
Trong suốt 27 năm xây dựng, phấn đấu, trưởng thành Binh đoàn 15 được Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng:
– Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang (2003)
– Huân chương Chiến công hạng ba (2000)
– Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhì (2009)
– Bằng khen Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích trong xây dựng các khu KT-QP góp phần xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc (1998-2003)
– Bằng khen Tổng cục Chính trị vì đã có thành tích tham gia triển lãm: “Triển vọng Xanh Việt Nam (2001-2010)” tại TP Hồ Chí Minh
– Bằng khen Quân khu 5 vì có thành tích bảo vệ môi trường (2000)
– Cúp Vàng (2007)
– Quả cầu vàng (2007)
– Doanh nghiệp tiêu biểu Việt Nam vàng (2008)
– Vì sự nghiệp phát triển cộng đồng (2008)
– Nhiều cá nhân, tập thể được tặng thưởng Bằng khen, Cờ thi đua của Chính phủ, các bộ, ngành… Trung ương và địa phương.
Theo Nhandan
Ý kiến ()