Vì sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em: Phát huy vai trò chủ động của phụ nữ
(LSO) – Trong xã hội, phụ nữ và trẻ em luôn là đối tượng hàng đầu chịu ảnh hưởng của bạo lực và xâm hại. Do đó, Hội Liên Hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp góp phần bảo vệ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn.
Tháng 3/2019, Hội LHPN Việt Nam đã phát động và lựa chọn chủ đề năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” với các nội dung: An toàn cho phụ nữ và trẻ em trong gia đình; phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; an toàn cho phụ nữ và trẻ em nơi công cộng, trong trường học, nơi làm việc, ngoài xã hội, trên môi trường mạng; an toàn trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cán bộ Hội LHPN tỉnh truyền thông “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” cho hội viên phụ nữ xã Nhượng Bạn, huyện Lộc Bình
Thực hiện chủ đề trên, Hội LHPN tỉnh đã hướng dẫn các cấp hội triển khai gắn với nhiệm vụ công tác hội; thực hiện Đề án 938 “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 – 2027” và Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025”. Theo đó hội đề ra chỉ tiêu trong năm 2019, mỗi cơ sở hội phải có ít nhất một hoạt động thực hiện chủ đề năm. Để nâng cao nhận thức cho cán bộ nòng cốt về chủ đề, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 2 lớp tập huấn chuyên sâu cho gần 300 cán bộ chuyên trách cấp tỉnh, huyện, chủ tịch hội phụ nữ xã về chuyên đề trẻ em và phòng chống bạo lực gia đình.
Đặc biệt để tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo tổ chức thành công diễn đàn “Cha mẹ với công tác quản lý giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và các tệ nạn xã hội” tại 5 huyện biên giới, thu hút gần 2.000 cán bộ, hội viên, phụ huynh và học sinh các trường THCS, THPT tham gia. Chị Nông Thị Vân, thôn Khắc Đeng, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định cho biết: Tham dự diễn đàn, tôi được cán bộ tuyên truyền về phòng chống tệ nạn xã hội, được xem các tiểu phẩm về chăm sóc sức khỏe vị thành niên. Từ đó, tôi có thêm kiến thức để giáo dục, quản lý con cái không sa vào các tệ nạn xã hội cũng như chăm sóc sức khỏe sinh sản, giáo dục giới tính cho con.
Không chỉ chú trọng công tác tuyên truyền, Hội LHPN tỉnh còn xây dựng 8 mô hình điểm thực hiện chủ đề như: “Thôn an toàn cho phụ nữ và trẻ em” (thôn Bắc Đông II, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc); “Phụ nữ Nhượng Bạn chung tay phòng chống bạo lực gia đình” (xã Nhượng Bạn, huyện Lộc Bình); “Nhóm phụ nữ phòng chống xâm hại trẻ em và tệ nạn xã hội” (xã Vân Nham, huyện Hữu Lũng)… Hội LHPN các huyện cũng thành lập mới 24 mô hình liên quan đến chủ đề. Thông qua hoạt động của các mô hình đã giúp cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân hiểu được trách nhiệm tạo lập môi trường sống, học tập, làm việc an toàn, lành mạnh cho phụ nữ và trẻ em, đồng thời góp phần phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh.
Để tạo ra môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em, không chỉ cần sự vào cuộc của các cấp hội, mà còn cần sự tham gia phối hợp của các cơ quan, ban ngành. Do đó, Hội LHPN tỉnh đã chủ trì phối hợp với các đơn vị Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân tỉnh tổ chức ký kết Chương trình phối hợp trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái giai đoạn 2019 – 2022. Qua đó bảo đảm các vụ việc liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, đúng quy định của pháp luật.
Bà Vũ Thị Huyền Trang, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh khẳng định: Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã xác định “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” là chủ đề xuyên suốt, được tiếp nối trong nhiều năm. Năm 2019 là bước khởi đầu, chúng tôi đã chỉ đạo các cấp hội làm nổi bật chủ đề bằng nhiều hoạt động thiết thực. Trong thời gian tới, để xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em, chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động phụ nữ, đặc biệt là hội viên vùng sâu, vùng xa nâng cao nhận thức để tự bảo vệ mình, lên tiếng với các hành vi bạo lực, xâm hại trong gia đình và xã hội. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động của các mô hình đi vào hiệu quả, thực chất, tạo ra sức lan tỏa trong cộng đồng.
DƯƠNG DUYÊN
Ý kiến ()