Vì sao vụ án hình sự nhằm vào Gorbachev bị khép lại?
Theo tác giả cuốn “Cuộc chiến với kẻ thù bên trong”, đối với nhiều người dân Liên Xô, thì Mikhail Gorbachev là biểu tượng của sự phản bội. Đa số họ yêu cầu cựu Tổng thống Liên Xô phải chịu trách nhiệm hình sự.
Căn cứ khởi kiện
Mùa hè năm 1991, tức là khi Mikhail Gorbachev còn giữ chức Tổng thống Liên Xô, trong nước đã hình thành và lan rộng một phong trào quần chúng. Những người tham gia phong trào này yêu cầu người đứng đầu nhà nước phải chịu trách nhiệm hình sự. Điều này đã được khẳng định trong cuốn sách “Lịch sử dân tộc Nga trong thế kỷ 20” của tác giả Oleg Platonov. Theo ông, người dân Liên Xô đã cáo buộc Gorbachev gây ra sự bần cùng hóa cho chính họ và làm cho đất nước sụp đổ. Sự thực, ngày 4-11-1991, một vụ án hình sự đã được khởi tố chống lại Mikhail Gorbachev theo Điều 64 Bộ luật Hình sự của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga. Người khởi tố vụ án là trợ lý của Tổng công tố Nga, cố vấn pháp luật Viktor Ilyukhin. Chính nhờ hành động này mà cả thế giới đã biết đến Ilyukhin.
Theo Yury Strochak, tác giả cuốn “Bước ngoặt nước Nga”, thì Viktor Ilyukhin đã cáo buộc Mikhail Gorbachev vi phạm Hiến pháp và Luật số 1409-1 “Về thủ tục giải quyết những vấn đề liên quan đến việc các nước cộng hòa tách khỏi Liên bang Xô viết”, được thông qua ngày 3-4-1990. Ngày 6-9-1991, Gorbachev ký các sắc lệnh công nhận độc lập của Litva, Latvia và Estonia. Tuy nhiên, theo Luật số 1409-1, việc tách khỏi Liên Xô chỉ được thực hiện trên cơ sở kết quả của một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức trong nước. Hơn nữa, phải có ít nhất 2/3 dân số của nước cộng hòa đó bỏ phiếu ủng hộ việc tách khỏi Liên Xô.
Tổng thống Mikhail Gorbachev trong bài phát biểu gửi đến nhân dân Liên Xô ngày 22-8-1991. Ảnh: Wikimedia Commons. |
Sáng kiến của Ilyukhin
Chính Viktor Ilyukhin đã kể lại trong cuốn sách của tác giả Lev Sirin rằng, khi đó không thể khởi kiện vụ án chống lại Mikhail Gorbachev, bởi không có căn cứ chính thức và hợp pháp. Vấn đề ở chỗ, như Ilyukhin thừa nhận, công chúng không hề biết về các cuộc họp của Hội đồng Nhà nước liên quan đến việc Litva, Latvia và Estonia tách khỏi Liên bang Xô viết.
Tuy nhiên, trong cuốn sách của mình, tác giả Alexander Volkov viết rằng, Viktor Ilyukhin thực hiện hành động này không phải tự phát, mà hoàn toàn có chủ ý. Hơn nữa, ông quyết định khởi tố vụ án hình sự chống lại Mikhail Gorbachev là hoàn toàn độc lập.
Theo tác giả Volkov, Ilyukhin hiểu hành động của mình cần được công khai, nếu không thì vụ việc có nguy cơ bị “chìm xuồng” ngay từ đầu. Vì vậy, trước khi gửi hồ sơ tài liệu cho các cơ quan chức năng, công tố viên đã sao chụp ra nhiều bản và gửi cho các phương tiện thông tin đại chúng.
Khép lại vụ án và “tòa án nhân dân”
Tuy nhiên, sự công khai đã không giúp Viktor Ilyukhin tránh được việc bị thất sủng. Trong cuốn sách của mình, tác giả Vladimir Sosnovsky cho biết, hai ngày sau khi quyết định khởi tố vụ án hình sự chống lại Tổng thống Liên Xô, Ilyukhin đã bị bãi nhiệm khỏi chức vụ đang công tác. Điều này là không có gì đáng ngạc nhiên, bởi một trong những đối thủ chính của Viktor Ilyukhin là Tổng công tố viên của Liên Xô Nikolai Trubin. Chính ông này cũng đã khép lại vụ Ilyukhin, lý giải hành động này bởi thực tế là, quyết định công nhận độc lập của Latvia, Litva và Estonia không phải do Mikhail Gorbachev đưa ra, mà do Hội đồng Nhà nước.
Mặc dù vậy, theo Oleg Platonov, tác giả cuốn sách “Cuộc chiến với kẻ thù bên trong”, vào tháng 2-1993, phiên tòa được gọi là “Tòa án nhân dân” đã được thành lập. Các thành viên của phiên tòa này vẫn cáo buộc Mikhail Gorbachev cố tình không thực thi Hiến pháp và luật pháp nhà nước, phản bội lợi ích quốc gia, phá hoại năng lực quốc phòng, làm suy sụp nền kinh tế quốc dân, bần cùng hóa người dân và những tội danh khác.
Ý kiến ()