Vì sao Trường THPT Tân Thành chậm đưa vào sử dụng?
LSO-Được khởi công xây dựng từ tháng 10/2010 đến nay đã gần hết năm 2013, công trình Trường Trung học phổ thông (THPT) Tân Thành (Hữu Lũng) vẫn chưa thể đưa vào sử dụng, mặc dù nhà thầu đã được chủ đầu tư gia hạn thời gian hoàn thành dự án tới 2 lần (lần 1 tháng 8/2012 và lần 2 tháng 4 2013).
LSO-Được khởi công xây dựng từ tháng 10/2010 đến nay đã gần hết năm 2013, công trình Trường Trung học phổ thông (THPT) Tân Thành (Hữu Lũng) vẫn chưa thể đưa vào sử dụng, mặc dù nhà thầu đã được chủ đầu tư gia hạn thời gian hoàn thành dự án tới 2 lần (lần 1 tháng 8/2012 và lần 2 tháng 4 2013). Nhiều hạng mục dầm sương, dãi nắng tới gần 2 năm, cỏ mọc rêu xanh khiến dư luận ở Tân Thành không khỏi băn khoăn về sự lãng phí khi để công trình trị giá hàng chục tỷ đồng dở dang kéo dài chậm đưa vào sử dụng.
Hạng mục 21 phòng học đã kéo dài hơn 1 năm |
Theo quy hoạch mạng lưới trường THPT tỉnh Lạng Sơn thì Trường THPT Tân Thành, huyện Hữu Lũng được đầu tư xây dựng đạt tiêu chí trường chuẩn Quốc gia, phục vụ học sinh cư trú tại các xã Tân Thành, Hòa Sơn, Hồ Sơn, Hòa Thắng, Hòa Lạc và một số xã khác trong huyện. Theo đó, công trình Trường THPT Tân Thành được UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt đầu tư tại quyết định số 1753/QĐ-UBND ngày 17/9/2009, công trình có diện tích xây dựng 24.720m2 với 21 phòng học và hệ thống các công trình phụ trợ học tập đồng bộ đạt chuẩn quốc gia. Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu là trên 34 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách tỉnh thời gian thi công là 450 ngày kể từ ngày khởi công (20/10/2010). Đơn vị được giao làm chủ đầu tư là UBND huyện Hữu Lũng, thực hiện thi công xây lắp là Công ty Cổ phần đầu tư xây lắp Tây Hồ, Hà Nội. Kế hoạch công trình phải được hoàn thành vào đầu quý I/2012, tuy nhiên đến nay đã bước vào giữa tháng 10/2013 công trình mới thi công đạt khoảng 60% giá trị trúng thầu. Quay trở lại tìm hiểu quá trình cấp vốn cho công trình, số liệu của Sở Kế hoạch Đầu tư cung cấp cho thấy từ năm 2009 đến 2013, công trình đã được tỉnh ghi kế hoạch vốn khoảng 30 tỷ đồng (năm 2009 ghi 100 triệu đồng, 2010 ghi 5 tỷ đồng, 2011 ghi 5,6 tỷ đồng, 2012 ghi hơn 14 tỷ đồng và năm 2013 ghi 5,5 tỷ đồng). Về công tác giải phóng mặt bằng, dự án rất thuận lợi, nhà thầu có mặt bằng sạch để thi công ngay sau khi công trình được khởi công. Như vậy có thể thấy về vấn đề vốn đầu tư đã được tỉnh rất quan tâm tạo đủ điều kiện để chủ đầu tư, nhà thầu triển khai đẩy nhanh thi công bảo đảm thời gian đưa công trình vào khai thác theo đúng kế hoạch. Vậy tại sao một công trình quy mô đạt chuẩn quốc gia khi triển khai xây lắp lại chậm tiến độ tới gần 2 năm?
Theo báo cáo của chủ đầu tư, trong thời gian đầu triển khai, công trình nhà thầu đã tập trung nguồn lực cao độ để thi công, đến tháng 10/2012, toàn bộ 10 hạng mục chính của công trình đã cơ bản hoàn thiện xong phần xây thô như: san nền, nhà đa năng, nhà ở giáo viên, nhà lớp học 4 tầng (21 phòng học), nhà hiệu bộ, khu phục vụ học tập 2 tầng… Tổng giá trị giải ngân cho xây lắp đã giải ngân đến đầu năm 2013 là hơn 20 tỷ đồng. Từ cuối năm 2012 đến nay, khối lượng thi công gia tăng không đáng kể. Tìm hiểu thực tế từ đơn vị giám sát thi công cho thấy, trong quá trình thi công dự án đã phát sinh khối lượng lớn, giá cả vật liệu, nhân công đều tăng và giá trị khối lượng đã thực hiện vượt xa so với giá trị trúng thầu, từ đây nhà thầu đã báo cáo chủ đầu tư tìm giải pháp tháo gỡ. Tuy nhiên trong thời gian dài khoảng gần 1 năm (từ giữa tháng 6/2012 đến hết quý I/2013) 3 đơn vị là tư vấn thiết kế (tác giả thiết kế công trình), chủ đầu tư và nhà thầu thi công đã không thống nhất được với nhau về phương án điều chỉnh dự án trình UBND tỉnh phê duyệt. Bên cạnh đó, có một nguyên nhân khác chính là nhà thầu còn yếu về năng lực tài chính dẫn tới ngừng thi công trong thời gian dài (từ tháng 11/2012 đến tháng 7/2013, trước đó nhà thầu thi công cầm chừng). Do không phát sinh khối lượng, kế hoạch vốn ghi trong năm 2012 đã không thể giải ngân hết dẫn đến tỉnh phải điều hòa 8/14 tỷ đồng kế hoạch vốn ghi của dự án Trường THPT Tân Thành cho dự án khác năm 2012. Như vậy có thể thấy nguyên nhân chính dẫn tới dự án Trường THPT Tân Thành chậm tiến độ chậm đưa vào sử dụng gây lãng phí nguồn lực đầu tư là do nhà thầu và chủ đầu tư chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình trong quá trình triển khai dự án.
Hạng mục nhà ở giáo viên thi công chậm hoàn thành |
Để khắc phục những hạn chế yếu kém khi triển khai công trình Trường THPT Tân Thành và sớm đưa công trình vào sử dụng trong năm 2014, ông Long Văn Sơn – Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng đã nhận trách nhiệm khi để công trình chậm tiến độ kéo dài trước đoàn kiểm tra của lãnh đạo tỉnh vào ngày 7/10/2013, đồng thời hứa sẽ cùng nhà thầu xây dựng kế hoạch đẩy nhanh tiến độ để công trình hoàn thành theo đúng yêu cầu mà đoàn công tác của tỉnh đặt ra cho huyện. Một diễn biến khác, tại buổi kiểm tra công trình của lãnh đạo UBND tỉnh do đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã đề nghị Sở Kế hoạch Đầu tư xem xét ưu tiên nguồn vốn bổ sung trong những tháng cuối năm 2013 cho dự án và đề xuất dự kiến kế hoạch vốn năm 2014 để tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu có điều kiện huy động nguồn vốn đẩy nhanh tiến độ đưa công trình sử dụng vào đầu quý II/2014.
CÔNG QUÂN
Ý kiến ()