Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng đồng ý để Thụy Điển gia nhập NATO?
Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng đã mở đường cho Thụy Điển gia nhập NATO. Đâu là lý do khiến Thổ Nhĩ Kỳ, vốn phản đối tư cách thành viên của Thụy Điển khá gay gắt nhiều tháng liền, lại nhanh chóng chuyển hướng?
Những lý do chính
Hơn một năm qua, chính phủ của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã phản đối việc Thụy Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), liên minh quân sự hiện có 31 thành viên, khiến con đường đến với NATO của Thụy Điển gặp không ít trắc trở so với thành viên mới nhất của NATO là Phần Lan (4-2023).
Lý do ngăn cản tư cách thành viên NATO của Thụy Điển là do Ankara lo ngại Stockholm sẵn sàng “đón nhận” những người Kurd mà ông Erdogan coi là khủng bố.
Sau Phần Lan, cờ của Thụy Điển sẽ sớm được kéo lên lại trụ sở của NATO ở Brussels? Ảnh minh họa: AP |
Tuy nhiên, con đường gia nhập NATO của Thụy Điển đã rộng mở khi Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển đạt được sự đồng thuận trong việc thiết lập một “hiệp ước an ninh song phương mới”, theo tuyên bố ba bên giữa NATO, Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ.
Thụy Điển cũng sẽ đưa ra một lộ trình làm cơ sở cho cuộc chiến chống khủng bố dưới mọi hình thức. Theo tuyên bố này, Thụy Điển đã thay đổi luật của mình, mở rộng các nỗ lực hợp tác liên quan đến chống khủng bố nhằm đối phó với Đảng Công nhân người Kurd (PKK).
Ngoài hai yếu tố nói trên, Thụy Điển cũng đồng ý sẽ khởi động lại việc xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ vốn đã bị đình chỉ vào năm 2019 sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào Syria để tiêu diệt lực lượng dân quân người Kurd.
Thêm vào đó, Thụy Điển – một thành viên của Liên minh châu Âu (EU), cũng gợi ý sẽ ủng hộ nguyện vọng của Tổng thống Erdogan về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập liên minh này.
Phản ứng của quốc tế
Trong một tuyên bố, Tổng thống Mỹ Joe Biden, đang công du Anh trước khi tới Litva dự Hội nghị thượng đỉnh NATO, bắt đầu vào hôm nay 11-7, đã hoan nghênh “thay đổi nhanh chóng” này của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Biden cho biết: “Tôi mong được chào đón Thủ tướng Kristersson và Thụy Điển với tư cách là đồng minh NATO thứ 32”.
Mỹ trước đó đã cân nhắc tạm dừng bán máy bay chiến đấu F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này tiếp tục cản trở tư cách thành viên NATO của Thụy Điển. Nhưng với sự chuyển hướng tích cực này, khả năng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhận được phi đội F-16 mới trị giá 20 triệu USD. Ngày 10-7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết Washington ủng hộ việc cung cấp F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ và ủng hộ nguyện vọng gia nhập EU của Ankara. Tổng thống Biden khẳng định “sẵn sàng hợp tác với Tổng thống Erdogan và Thổ Nhĩ Kỳ để tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe ở khu vực châu Âu – Đại Tây Dương”.
Nếu được kết nạp, Thụy Điển sẽ là thành viên thứ 32 của NATO. Ảnh: AP |
Trong khi đó, Tổng thư ký NATO nhận xét: “Việc Thụy Điển hoàn tất việc gia nhập NATO là một bước đi lịch sử có lợi cho an ninh của tất cả các đồng minh NATO vào thời điểm quan trọng này. Nó làm cho tất cả chúng ta mạnh mẽ hơn và an toàn hơn”.
Sau việc gia nhập NATO có phần nhanh chóng hơn của Phần Lan, thành viên thứ 31 của NATO, và sự sẵn sàng của Thụy Điển, hầu hết các nhà phân tích tin rằng tư cách thành viên mới của Thụy Điển sẽ sớm được thúc đẩy.
Năm ngoái, cựu Thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt đã viết trên Tạp chí Foreign Affairsrằng việc gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan sẽ mang lại những khả năng quân sự mới đáng kể cho liên minh quân sự này, bao gồm cả không quân và tàu ngầm tiên tiến, đồng thời sẽ thay đổi cấu trúc an ninh của Bắc Âu.
Theo The World Street Journal, việc Thụy Điển trở thành thành viên NATO đánh dấu một kỷ nguyên mới đối với quốc gia Scandinavi, vốn đứng ngoài các liên minh quân sự quốc tế trong hai thế kỷ qua. Mặc dù khá dè dặt trong liên kết với bất kỳ khối nào, Thụy Điển đã dành ba thập kỷ qua để hợp lý hóa quân đội của mình bằng các hệ thống của NATO.
Kể từ giữa thập kỷ 1990, Thụy Điển đã đóng góp vào các nhiệm vụ quốc tế của NATO và “biến” các nhân viên quân sự, thiết bị và cơ cấu chỉ huy của mình thành tương thích với NATO. Đến năm 2013, Thụy Điển và Phần Lan – thành viên thứ 31 của NATO, đều có các đơn vị quân đội, không quân và hải quân thường trực sẵn sàng triển khai như một phần của Lực lượng phản ứng đa quốc gia của NATO.
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()