click=”return openImageNews(this,270,480)”> Nguồn tiền đổ vào mua hàng IT đang “cạn”? Ảnh minh hoạ. |
Các công ty bán lẻ IT khác cũng chung tình trạng tiêu thụ chậm nhưng theo họ, không phải do vấn đề thuế VAT tăng thêm 5% mà vì thị trường chung ảm đạm và chủ yếu do nguồn tài chính trong dân không dồi dào.
Giám đốc một doanh nghiệp bán lẻ IT có tên tuổi ở Hà Nội trầm ngâm: tình hình tiêu thụ sản phẩm IT quý I năm nay chậm hơn cả cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù thuế VAT chỉ tăng thêm 5% so với trước tết, tỷ giá có biến động tuy không nhiều.
Để kích cầu thị trường, các hãng, nhà phân phối và bán lẻ đã “gò lưng” khuyến mãi lớn, giá trị khuyến mãi gấp khoảng 1,7 lần trước Tết nhưng không… ăn thua, tâm lý không “thích” mua sắm hàng IT và sức mua chậm chạp vẫn thắng thế.
“Một phần dường như người dân vẫn chưa quen với tâm lý tăng giá 5%. Nhưng tôi cảm giác như nguồn tiền trong dân “đổ” vào IT đang bị “cạn”, mặc dù số người nhiều tiền mua sản phẩm IT giá cao vẫn có nhưng không đáng kể, không đủ sức làm sôi động thị trường. Còn tỷ lệ người dân có thu nhập trung bình đến mua hàng IT để tiêu dùng thực sự không nhiều”, vị này nói.
Theo một nhà phân phối sản phẩm ASUS tại Hà Nội, số lượng MTXT ASUS bán ra tăng tới 400% so với quý I năm ngoái. “Tuy nhiên con số này không có gì đặc sắc bởi Quý 1/2009 mới chỉ là khởi động – tức là 400% nhưng bắt đầu từ con số 0”, vị đại diện này phân tích thêm.
Thông tin từ Công ty máy tính Nam Á cũng tương tự, sức mua giảm hơn so với cùng kỳ, mặc dù thuế VAT tăng lên 5% từ tháng 1/2010 nhưng thực tế giá bán lẻ hàng IT tới người dùng không tăng nhiều.
Hơn nữa, cuộc chiến về giá giữa các hãng sản xuất cũng xảy ra đã làm cho giá cả gần như không tăng, thậm chí còn giảm; các doanh nghiệp bán lẻ cũng so giá nhau từng đồng để tạo lợi thế cho mình.
Ngay như Nam Á, năm ngoái cả tháng, rồi cả tuần mới điều chỉnh giá 1 lần, thế nhưng gần đây thời gian giảm giá có lúc chỉ tính bằng ngày.
Mỗi khi ra đời một sản phẩm mới, có hãng giảm giá mạnh sản phẩm cũ như Acer, Toshiba hoặc HP. Hiện tại HP đang gần như xả hàng tồn của dòng Probook, hoặc có những model hãng khuyến mãi tặng đến 3 triệu đồng tiền mặt.
Ngoài ra, các hãng liên tục đưa thêm các dòng sản phẩm mới với nhiều mẫu mã hơn. Chỉ riêng Sony, từ đầu tháng 12 đến giờ đã tung đến 4, 5 series mới vào thị trường, các dòng sản phẩm hiện có cũng liên tục được bổ sung tính năng mới.
Thời điểm này, chủ yếu một số sản phẩm mới ra mắt như Core i3 bán được hơn cả bởi giá cả hợp lý. Linh kiện bán ra hầu như không tăng bởi theo “logic”, MTXT tăng thì người mua PC ít đi và tỷ lệ bán lẻ linh kiện giảm đi.
Mở rộng điểm bán lẻ để… chờ mùa
Mặc dù thị trường trầm lắng, tuy nhiên, các nhà bán lẻ như Ben Computer, Đăng Khoa, Bảo An… vẫn thực hiện kế hoạch mở rộng thị phần bằng việc mở ra nhiều điểm bán lẻ mới với hy vọng… đón lõng thị trường.
Theo đại diện Siêu thị Máy tính Đăng Khoa, bán lẻ trực tiếp đến tận tay người tiêu dùng là xu thế sắp tới. Thế nên dù hiện tại thị trường có trầm lắng thì các nhà bán lẻ vẫn mở rộng điểm bán lẻ.
Ngoài ra, cùng với sự thay đổi chính sách của các hãng như HP, Dell, Acer theo hướng hỗ trợ mạnh, trực tiếp tới đại lý bán lẻ thông qua chi phí marketing, các chương trình khuyến mãi hoặc các hoạt động đặc biệt tại từng cửa hàng chứ không đồng loạt như trước hy vọng sẽ thực chất hơn với người tiêu dùng và có tác dụng kích cầu tốt hơn.
Theo dự báo, có thể tháng 5, 6 tới, nền kinh tế sẽ ổn định hơn. Tuy nhiên, sản phẩm IT vốn bị ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ và tháng 5, 6 đã là “cuối vụ” – tháng thấp điểm, bán hàng chậm nhất trong năm nên tình trạng trầm lắng này sẽ còn kéo dài hơn.
Thị trường IT chờ đợi sức bật mới – thông thường vào tháng 8, 9 hàng năm.
Ý kiến ()