Vì sao phải viết?
“Vì sao chúng ta viết?” là chủ đề của Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 diễn ra tại Đà Nẵng trong hai ngày 18 và 19/6 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Một câu hỏi tưởng chừng quen thuộc, song, thực tế không phải người viết nào cũng đặt vấn đề và trả lời một cách trung thực, để từ đó cất lên tiếng nói, trách nhiệm của mình trước thời đại.
Trong bối cảnh hiện nay, không thể phủ nhận người viết trẻ có rất nhiều thuận lợi khi sáng tác, in ấn, quảng bá tác phẩm và kết nối với bạn đọc. Điều đó tạo nên không khí sôi nổi, tự do, giúp người viết phát huy tối đa tài năng, sáng tạo. Tuy nhiên, không ít cây bút vì lợi thế tự do mà sa vào tùy tiện và sự ích kỷ cá nhân, làm rạn vỡ bản chất nhân văn của văn chương. Theo nhận định từ giới chuyên môn, hiện tượng này không chỉ xuất hiện ở Việt Nam mà còn mang tính cảnh báo với văn học thế giới.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh, hãy để văn chương là sự tự do và tự thân. Nghĩa là, khi người viết có nhu cầu, có sự thôi thúc để cầm bút thì trước hết họ phải trở thành nhà văn của một bạn đọc, đó chính là bản thân mình. Họ phải suy nghĩ, đối thoại để nhìn thấy mình, không ngừng trang bị kiến thức, đào sâu tư duy, nâng cao nhận thức, tư tưởng, cảm xúc nhân văn trong trang viết. Sự đa dạng sẽ mang đến sự tự thân và đôi khi có những đột phá bất ngờ. Thực tế cho thấy, không ít nhà văn đang làm những công việc khác biệt hoàn toàn với nghề chữ nghĩa, nhưng họ vẫn mang đến các tác phẩm đáng đọc. Khi người viết cảm thấy thật sự cần phải viết, chắc chắn sẽ viết nên những tác phẩm có giá trị.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết, từ khi anh còn là một đứa trẻ đã cảm thấy sự thôi thúc từ bên trong nội tâm mình. Vì sao viết? Là vì không thể không viết! “Thần đồng” thơ cho rằng, đa số người cầm bút đều có khát vọng, nhưng đòi hỏi cao hơn đó là phải có một tiếng nói mạnh mẽ, thiết tha bật ra với thế giới bên ngoài. Cuộc gặp gỡ giữa cá nhân với đời sống, nhân dân, rồi quay về bản thể sẽ buộc nhà văn phải nói, phải viết, phải trút ra, như cần phải thở. Không có niềm thôi thúc đặc biệt đó, có viết ngòi bút cũng “bở” ra ngay!
Những năm gần đây, có không ít người viết trẻ tạo được dấu ấn đẹp trên văn đàn. Thí dụ tác giả Nguyễn Bình với bản dịch tiếng Anh kiệt tác “Truyện Kiều” từng đoạt Giải Tác giả Trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam đã khiến giới chuyên môn và bạn đọc cảm phục, xúc động trước khả năng văn chương và ý thức giữ gìn, lan tỏa văn hóa truyền thống dân tộc. Hoặc tại Hội nghị lần này, đại biểu trẻ nhất là Trần Phú Minh Anh sinh năm 2007, đang là học sinh THPT tại thành phố Hồ Chí Minh đã sớm xuất hiện chững chạc, cá tính với các chùm tác phẩm thơ, truyện ngắn trên ấn phẩm Viết và Đọc của Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Ở đó, bạn đọc cảm nhận được vẻ đẹp của tư duy, tinh thần nhân văn được trình bày bằng ngôn ngữ, cách thức tươi mới, sáng tạo, góp phần khẳng định có một thế hệ trẻ không chỉ tài năng mà còn có tư thế, thái độ đầy trách nhiệm.
Trong bức tranh sôi động của văn học trẻ hiện nay, dễ bắt gặp những cây bút ở tuổi đôi mươi nhưng đã xuất bản nhiều tác phẩm, đoạt giải thưởng văn học… Song, họ thật sự còn thiếu điều gì, cần hỗ trợ những gì, để mọi niềm đam mê, khát vọng được thăng hoa, để có thể khỏa lấp những khoảng trống về đề tài, trách nhiệm người cầm bút đối với thời đại thì cần thiết có những cuộc gặp gỡ, hội thảo, tọa đàm… để cùng hướng họ đến một câu hỏi chung. “Vì sao chúng ta viết?” là chủ đề mang đến sự khơi gợi, sẻ chia, thậm chí là cảnh báo cho mục đích, đam mê, khát vọng của người viết trẻ.
Ở bất cứ thời đại nào, họ cũng buộc phải trả lời được câu hỏi này. Nếu chỉ coi văn chương như một cuộc dạo chơi, thử sức, hơn thua… cộng với sự hời hợt, ích kỷ, vụ lợi… thì chắc chắn người viết không thể vững bước trên chặng đường đầy gian nan đó. Cùng một câu hỏi, sẽ có nhiều câu trả lời khác nhau tại Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 và điều đó góp phần phác họa chân dung thế hệ tác giả trẻ hôm nay trong chính cách họ lên tiếng, phản biện, đề xuất những vấn đề trong thời đại của mình.
Theo Nhandan
Ý kiến ()